cuộc sống gia đình, 999 câu hỏi về bệnh tiểu đường... được thị trường sách
rất ưa chuộng, giá cả tương xứng với chất lượng.
Tuy nhiên mọi sự đều có hai mặt lợi và hại. Những loại sách này tổng cộng
phải đến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu chữ, tuy đã định giá thành
của từng cuốn ở mức thấp nhất có thể nhưng vẫn không dưới hàng chục tệ,
hơn nữa, vì là loại sách tư liệu bách khoa nên có rất nhiều lĩnh vực không
thể đi sâu vào phân tích cụ thể. Ví dụ như cuốn 999 câu hỏi về bệnh tiểu
đường, trong chương đề cập đến những lưu ý trong việc ăn uống của người
mắc bệnh tiểu đường có 30 vấn đề thì đã có tới 20 vấn đề là kiến thức mà
hầu hết mọi người đều biết, chính vì thế, nó không có giá trị lớn trong thực
tế. Một ví dụ khác là cuốn Món ăn – Bài thuốc viết về các món ăn có thể trị
hơn 180 căn bệnh, xem ra thì có vẻ rất phong phú đa dạng; dày tới 300-400
trang, nhưng giở ra mới thấy, món ăn chữa mỗi bệnh chỉ trình bày trong vài
ba trang, bệnh nào cũng được nhắc tới nhưng không đi sâu vào phân tích,
đối với độc giả thì vài ba trang sách này là không đủ. Hơn nữa, ngoại trừ
bác sĩ thì ai có hứng thú tìm hiểu hết gần 200 loại bệnh tật, quy định ăn
uống và đủ loại phương pháp chữa bệnh? Nhưng loại sách này lại dành cho
độc giả phổ thông, bác sĩ thực sự sẽ không sử dụng chúng. Một người bình
thường chỉ mắc khoảng một hai loại bệnh, cộng thêm những người thân
thích quen biết thì cũng không quá mười bệnh, vậy thì họ cũng chỉ cần đọc
khoảng 1/20 của cuốn sách là đủ, cần gì phải mất số tiền gấp 20 lần nhu cầu
tìm hiểu của mình như thế.
Trương đang suy nghĩ nhằm vạch ra một chiến lược bán sách mới, khác với
cách làm sách tư liệu bách khoa bây giờ, mở ra thị trường mới, biên soạn
những cuốn cẩm nang nhỏ chú trọng vào các vấn đề độc giả thực sự quan
tâm, ví dụ như “Người bị tiểu đường nên ăn gì”, “Quan điểm sai lầm trong
giảm lượng đường huyết”, “Người bị huyết áp thấp nên ăn gì”, “Thực đơn
cho người giảm cân”, “Thực đơn dưỡng can”, “Thức ăn bổ sung kẽm, canxi
và sắt cho trẻ nhỏ”, “Bản thảo cương mục dưỡng sinh – Rau xanh”, “Thực
phẩm tương khắc - tương hỗ”…