ra đời của máy tính tiền. Máy tính tiền là một phát minh nổi trội; nó không
những thực hiện được các phép toán đơn giản mà còn lưu lại được cả số
tiền bán hàng mỗi ngày. Điều này rất ý nghĩa nếu bạn lo ngại về nguy cơ
gian lận của nhân viên. Bạn có thể kiểm tra vào cuối ngày và biết được số
lượng tiền mặt cần có trong ngăn kéo.
Có một vấn đề nhỏ với chiếc máy tính tiền: Chúng thực ra không ghi lại
mỗi lần bán hàng; chúng chỉ ghi lại số tiền bán hàng. Nếu một khách hàng
mua mặt hàng với giá 1 đô-la và đưa cho nhân viên thu ngân tờ 1 đô-la,
nhân viên có thể lờ đi việc ghi lại số tiền bán hàng này, đút tờ 1 đô-la vào
túi và chẳng ai biết được điều này cả.
Mặt khác, khi khách hàng mua một mặt hàng có giá 99 xu và đưa cho
nhân viên thu ngân tờ 1 đô-la, nhân viên này sẽ phải hoàn trả tiền thừa.
Điều này buộc nhân viên phải mở ngăn kéo đựng tiền, và anh ta không thể
làm điều này mà không ghi lại số tiền bán hàng hoá đó. Cách định giá 99
xu buộc nhân viên bán hàng phải ghi lại số tiền bán hàng và đảm bảo tính
trung thực của họ.
Vẫn còn một vài vấn đề. Nhân viên thu ngân có thể hoàn trả tiền thừa
bằng tiền của mình hoặc ghi lại số tiền bán hàng sai lệch. Nhưng khách
hàng đứng chờ nhận tiền thừa có thể nhận ra những biểu hiện khác thường
này và thông báo với ban quản lý.
Vấn đề thực sự của cách lý giải này là nó đã bỏ qua sự tồn tại của thuế
doanh thu. Tại một bang đánh 7% thuế doanh thu, sự khác biệt giữa 99 xu
và 1 đô-la trên thẻ ghi giá tiền cũng là sự khác biệt giữa 1,06 đô-la và 1,07
đô-la tại quầy thu tiền; khả năng cần tiền trả lại là tương đương nhau trong
hai trường hợp. Liệu có thể là tại những bang với lượng thuế doanh thu
khác nhau, chênh lệch giá cả chỉ là một penny, vì thế mà giá hiển thị tại
quầy thu tiền không cân bằng nhau giữa các bang hay không? Ít nhất đây là
dự đoán có thể kiểm chứng được. Một điều nữa là: Cách định mức giá 99
xu không nên trở thành hiện tượng thông dụng tại các cửa hàng nơi chủ cửa
hàng cũng đồng thời là người vận hành máy tính tiền.