Rất nhiều nền nông nghiệp thuở sơ khai mang những nét đặc trưng kỳ lạ.
Có rất ít lô đất lớn, mà thay vào đó, mỗi nông dân sở hữu một vài khoảnh
đất nhỏ nằm rải rác trong làng. (Mô hình này hiện hữu trong thời Trung cổ
tại Anh và ngày nay vẫn tồn tại ở các vùng thuộc Thế giới thứ ba.) Các nhà
sử học từ lâu đã tranh cãi về lý do của sự rải rác này, và họ tin rằng đây là
nguồn gốc của sự thiếu hiệu quả. Có lẽ nó bắt nguồn từ hiện tượng thừa kế
và kết hôn: Trong mỗi thế hệ, khoảnh đất của từng gia đình được chia nhỏ
hơn nữa cho thế hệ thừa kế, vì thế mà các khoảnh đất ngày càng trở nên
nhỏ hơn; việc kết hôn của các thế hệ sau lại hội tụ những khoảnh đất nhỏ
nằm rải rác khắp nơi vào một gia đình. Cách giải thích này bị chỉ trích vì nó
dường như giả định một dạng suy nghĩ bất hợp lý: Tại sao dân làng không
trao đổi các khoảnh đất với nhau để hợp nhất tài sản của mình?
Vấn đề này đã thu hút sự chú ý của nhà kinh tế học và sử học Don
McCloskey, người có khả năng giải thích tài tình các chủ đề kinh tế không
ai sánh kịp. Thay vì hỏi: “Các tổ chức xã hội nào gây ra hành vi bất hợp lý
như vậy?”, McCloskey lại đặt câu hỏi: “Tại sao hành vi này lại bất hợp
lý?”. Những nghiên cứu kỹ lưỡng giúp ông kết luận rằng đây là hành vi hợp
lý bởi nó là một dạng bảo hiểm. Một nông dân chỉ có một khoảnh đất lớn sẽ
có nguy cơ bị phá sản hoàn toàn nếu lụt lội xảy ra. Bằng việc rải rác các
khu đất, người nông dân chịu hy sinh một lượng thu nhập tiềm năng để đổi
lấy sự đảm bảo rằng mình sẽ không bị trắng tay khi thiên tai xảy ra. Hành
vi này thậm chí chẳng có gì đặc biệt. Bất cứ chủ gia đình hiện đại có mua
bảo hiểm và cẩn thận nào cũng sẽ làm điều tương tự.
Một cách để kiểm chứng lý thuyết của McCloskey là hỏi xem liệu “phí”
bảo hiểm (chính là lượng sản phẩm hy sinh bằng việc rải rác đất) có tương
xứng với lượng bảo hiểm “được mua” hay không, dùng đó làm thước đo
cho cái giá người ta sẵn lòng trả trong các thị trường bảo hiểm chính thống
hơn. Với tiêu chuẩn như thế, lý thuyết này vẫn đáp ứng được.
Mặt khác, một chỉ trích hà khắc nữa là: Nếu người dân Trung cổ muốn
có bảo hiểm, tại sao họ không mua và bán các hợp đồng bảo hiểm như
chúng ta ngày nay? Theo cá nhân tôi thì câu hỏi này cũng tương tự như