không bị trừng phạt. Tiết lộ này đã làm dấy lên niềm tin vẫn còn khuấy
động tới ngày nay; đặc biệt trong cộng đồng người da đen ở thành thị, rằng
CIA là tổ chức tài trợ chính của giới kinh doanh ma túy ở Mỹ.
Việc xác minh lời tuyên bố trên nằm ngoài phạm vi cuốn sách này.
Nhưng có một sự thật rõ ràng đó là Oscar Danilo Blandon đã giúp thiết lập
mối liên hệ giữa các tập đoàn cocain Colombia và những bọn bán cocain tái
chế trong các khu phố ở Mỹ − điều có thể làm thay đổi lịch sử nước Mỹ.
Bằng cách đặt một số lượng lớn cocain vào tay những tên bán ma túy trên
đường phố, Blandon và những tên trùm khác đã tiếp tay cho sự bùng nổ
nạn ma túy có tính huỷ diệt này. Và những băng nhóm như Băng đảng Đen
đã có được thêm lý do mới để tồn tại.
Chừng nào còn các thành phố, chừng đó còn những băng nhóm thuộc
loại này hay loại khác. Tại Mỹ, các băng nhóm có truyền thống đóng vai
trò như nhà trọ giữa đường cho dân mới nhập cư. Trong những năm 1920,
riêng Chicago đã có hơn 1.300 băng nhóm đường phố, cung cấp chất gây
nghiện cho từ giới tôn giáo đến giới chính trị và tội phạm. Như một quy
luật, những băng nhóm đã chứng minh có thể gây thương vong tốt hơn
nhiều việc kiếm ra tiền. Một số tự coi chúng như những doanh nghiệp
thương mại hoặc tổ chức Mafia đáng nể nhất vì thật sự kiếm ra nhiều tiền.
Nhưng hầu hết số thành viên của băng nhóm chỉ là những quân tốt (phải
sống trong cảnh bần cùng).
Băng nhóm đường phố da đen đặc biệt phát triển mạnh ở Chicago, với
hàng vạn thành viên vào những năm 1970. Chúng phân chia thành những
nhóm tội phạm, cả lớn và nhỏ, phá rối cuộc sống ở các khu vực thành thị.
Một phần của vấn đề đó là những bọn tội phạm này hình như không bao
giờ bị bắt. Thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX là thời kỳ đẹp đẽ đối với bọn
tội phạm đường phố ở hầu khắp các thành phố của Mỹ. Khả năng bị trừng
phạt là rất thấp − đây là thời hoàng kim của hệ thống luật pháp tự do và
phong trào đòi bình quyền của bọn tội phạm − gần như không phải trả giá
nhiều khi phạm tội.