kỳ quặc nào nảy ra trong chúng ta. Vì thế, lĩnh vực nghiên cứu của chúng
tôi là: Freakonomics − Kinh tế học hài hước. Những câu chuyện được đề
cập trong cuốn sách này không phải lúc nào cũng được nhắc đến trong
Econ. 101 (Kinh tế học cơ bản), nhưng có thể mọi chuyện sẽ thay đổi. Bởi
vì khoa học kinh tế trước hết là một bộ công cụ, để giải quyết vấn đề, nên
không có vấn đề nào, dù là kỳ lạ, lại không thể nằm trong phạm vi nghiên
cứu của nó.
Nên nhớ rằng Adam Smith, cha đẻ của kinh tế học cổ điển, trước tiên
và trên hết là một triết gia. Ông cố gắng trở thành nhà lý luận học, và khi cố
gắng để làm như vậy, ông trở thành một nhà kinh tế học. Khi ông xuất bản
cuốn Học thuyết về quan điểm đạo đức vào năm 1759, chủ nghĩa tư bản
hiện đại vừa mới manh nha. Smith bị mê hoặc bởi sức mạnh của lực lượng
mới này; nhưng ông không chỉ quan tâm đến những con số. Ông còn quan
tâm đến khía cạnh con người, khi mà một lực lượng kinh tế, trên một quy
mô rộng lớn, khiến cho cá nhân thay đổi tư duy và hành vi trong những tình
huống cụ thể. Động cơ nào khiến một người đi lừa đảo hoặc ăn cắp, trong
khi những người khác lại không? Làm sao mà lựa chọn có vẻ vô hại của
một cá nhân, dù là tốt hay xấu, lại ảnh hưởng đến rất nhiều những người
khác? Vào thời Smith, nguyên nhân và hậu quả bắt đầu được lý giải rõ ràng
hơn; động cơ được khuếch đại hàng chục lần. Sức hấp dẫn và kích động
của những thay đổi đó tràn ngập trong công chúng thời đó cũng hệt như sức
hấp dẫn và kích động của cuộc sống hiện đại đối với chúng ta ngày nay.
Thực chất chủ đề của Smith là mâu thuẫn giữa tham vọng cá nhân và
quy tắc xã hội. Nhà lịch sử kinh tế Robert Heilbroner, tác giả cuốn Các
Triết gia Thế giới, đã tự hỏi làm thế nào mà Smith có thể phân tách hành vi
của con người, một tạo vật vị kỷ, với mặt phẳng luân lý mà người đó hiện
diện. “Smith cho rằng câu trả lời nằm trong khả năng mà chúng ta có thể
đặt mình vào vị trí một người thứ ba, một người quan sát vô tư,” Heilbroner
viết, “và bằng cách đó tạo ra ý niệm của đối tượng... giá trị của tình thế.”