Hãy hình dung có ba hoặc hai người háo hức đi khám phá giá trị
chung của những đối tượng trong một tình huống thú vị. Sự khám phá đó
thường khởi đầu bằng cách đặt những câu hỏi đơn giản chưa từng được đặt
ra, chẳng hạn: Giáo viên tiểu học và võ sĩ Sumo có điểm gì chung?
“Tôi muốn tập hợp đầy đủ các công cụ để chúng ta tóm được bọn
khủng bố,” Levitt nói, “tôi không nhất thiết phải biết ngay làm thế nào để
tóm được chúng. Nhưng khi được trao dữ liệu chính xác, tôi không mấy
nghi ngờ rằng mình có thể tìm ra câu trả lời.”
Chuyện một nhà kinh tế học muốn tóm bọn khủng bố nghe có vẻ thật
lố bịch. Cũng tương tự như câu chuyện: nếu bạn là một giáo viên trung học
ở Chicago, bị gọi vào phòng họp, và được thông báo rằng những thuật toán
do một kẻ còm nhom với cặp kính dày cộp kia thiết kế, đã khẳng định rằng
bạn là kẻ gian lận, rồi sa thải bạn. Steven Levitt có thể không hoàn toàn tin
vào bản thân, nhưng anh ta tin rằng giáo viên, tội phạm, và đại lý bất động
sản, thậm chí ngay cả chính trị gia, nhà phân tích của cục tình báo Mỹ cũng
có thể đang gian lận. Nhưng số liệu thì không thể nói dối.
- Tạp chí New York Times, 03/08/2003