các phúc lợi xã hội giống như dân cư trong thành phố, từ đó gây nên nhiều tranh
cãi trong xã hội. 30 năm từ sau cải cách mở cửa đến nay, chính quyền địa
phương đã căn cứ vào sức mạnh tổng hợp và điều kiện dịch vụ công cộng của
các thành phố để tiến hành thực hiện chế độ quản lý giấy phép cư trú đối với
người lao động trong thành phố. Chế độ quản lý này đã cải thiện quyền lợi của
những người dân có thâm niên sống và làm việc trong các thành phố. Tuy nhiên,
do các quy định về quản lý chưa được thống nhất trên phạm vi toàn quốc nên vẫn
còn nhiều tồn tại trong việc bảo vệ quyền lợi của 18% người lao động nông thôn
này.
Từ đó, các phương án giải quyết cho tương lai ta có thể nhìn ra được là:
(i) Xóa bỏ phúc lợi xã hội gắn liền với chế độ hộ khẩu thành thị - nông thôn.
Các quy định về hộ khẩu sẽ không thể hoàn toàn xóa bỏ trong một thời gian ngắn
bởi chúng còn ảnh hưởng tới chế độ ruộng đất ở nông thôn. Chính nhờ có chế độ
ruộng đất hiện hành mà người dân có hộ khẩu ở nông thôn mới có quyền sử dụng
đất đai. Nếu như muốn hoàn toàn xóa bỏ chế độ hộ khẩu thì buộc phải thực hiện
đồng thời cải ách chế độ sở hữu đất ở nông thôn, nhưng đây là vấn đề mang tính
thách thức hơn nhiều so với cải cách chế độ hộ khẩu. Hiện nay, nhận thức chung
về cải cách chế độ hộ khẩu tại Trung Quốc là bóc tách phúc lợi xã hội đi liền với
chế độ hộ khẩu trước đây, đưa chế độ hộ khẩu trở về với dạng nguyên bản của nó
- tức là dạng ghi chép về nơi cư trú đơn thuần của cư dân.
(ii) Tồn tại song hành chế độ hộ khẩu thành phố và việc quản lý cư trú tại
thành thị. Những đô thị có quy mô đặc biệt lớn, số nhân khẩu vượt quá mười
triệu đều phải đối mặt với nhiều thách thức lớn: chế độ hộ khẩu có vai trò thực tế
lớn hơn so với khả năng tự phát của thị trường trong việc điều tiết lao động
(đương nhiên các nhà kinh tế học cần tiếp tục tiến hành những nghiên cứu thực
chứng để chỉ ra ưu nhược điểm của mỗi cách điều tiết này. Nhưng có lẽ đây
chính là những cơ hội nghiên cứu mà quá trình chuyển đổi từng bước ở Trung
Quốc mang lại). Với vai trò thực hiện tốt hơn so với điều tiết của thị trường, chế
độ hộ khẩu sẽ còn tiếp tục tồn tại và phát huy những tác dụng – dù hạn chế của
mình – tại các thành phố lớn. Ngoài ra, chế độ giấy tạm trú ở thành phố cũng sẽ
trở thành hình thức quản lý nhân khẩu chủ yếu của các thành phố có quy mô nhỏ
hơn, Điều này tất yếu sẽ tạo ra sự dịch chuyển lao động và tạo ra cơ hội phân
phối nguồn lực một cách cân bằng hơn.