thị mà được chính quyền phê chuẩn đều phải đảm bảo đáp ứng được hai quy
trình: một là, thay đổi nơi đăng kí hộ khẩu thường trú và hai là chuyển từ hộ
khẩu nông nghiệp sang hộ khẩu phi nông nghiệp. Trong đó chuyển sang hộ khẩu
phi nông nghiệp là trình tự quan trọng hơn cả, ở Trung Quốc nó được gọi là quá
trình “nông chuyển phi (nông)”. Trong Bảng 8.1, điều này tương ứng với loại
hình số 1.
Với tư cách là công cụ của nhà nước, chế độ hộ khẩu có mục tiêu ưu tiên hàng
đầu là phục vụ lợi ích quốc gia – tức làm sao để công nghiệp tăng trưởng nhanh
chóng – và đảm bảo cho sự ổn định về chính trị. Có thể nói, với mục đích này,
chế độ hộ khẩu đã đáp ứng được yêu cầu mà những người hoạch định chính sách
đã đặt ra. Nhưng, bên cạnh đó, chế độ “hộ chiếu quốc nội” (domestic passport
system) này cũng tạo ra nhiều rào cản cho sự phát triển của Trung Quốc cả trong
thời kì kinh tế kế hoạch cũng như khi thực hiện chuyển đổi.
Trước hết, chế độ hộ khẩu đã tước đi quyền lợi cơ bản của mọi công dân là
quyền cư trú và đi lại tự do – điều được quy định vô cùng rõ ràng trong Hiến
pháp năm 1954. Nhưng hậu quả nghiêm trọng nhất là nó tạo ra sự đối xử bất
bình đẳng giữa những người có hộ khẩu thành thị với những người có hộ khẩu
nông thôn. Trong đó, bất kể ở thời kì nào, người có hộ khẩu thành thị luôn được
hưởng sự đãi ngộ tốt hơn từ phía chính quyền các cấp. Điều này khiến nông dân
– những người đóng góp rất nhiều không chỉ cho cách mạng mà cả cho cải cách
ở Trung Quốc – đều trở thành những “công dân hạng hai”. Tư chất của nông dân
không hề thua kém cư dân thành thị, nhưng những phân biệt đối xử khiến họ trở
thành tầng lớp xã hội bị cô lập, bị lãng quên, bị gạt ra ngoài lề (Thái Phưởng chủ
biên 2006).
Hai tác động lớn của chế độ hộ khẩu đến sự phát triển của thị trường lao động
Trung Quốc là (i) tạo ra rào cản đối với sự dịch chuyển lao động dư thừa từ nông
thôn ra thành thị, và (ii) sự gia tăng của tỉ lệ đô thị hóa không điển hình. Trước
năm 1982, số liệu về đô thị hóa của Trung Quốc dựa trên số liệu về đăng kí nhân
khẩu. Trong đó, số người có “hộ khẩu thành thị” tương đương với số người có
“hộ khẩu phi nông nghiệp”. Nhưng từ năm 1990, trong đợt Tổng điều tra dân số
lần thứ 4, Trung Quốc đã sử dụng khái niệm “nhân khẩu thường trú” để tính toán
tỉ lệ đô thị hóa thay cho khái niệm “hộ khẩu thành thị”, theo đó người có thời
gian cư trú thường xuyên tại các đô thị từ 1 năm trở lên được tính vào nhóm cư