ƯỚC LƯỢNG LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG TƯƠNG
LAI
Như đã nêu trong chương trước, dân số Trung Quốc đang trải qua một quá
trình biến đổi với đặc điểm rõ nét là sự già hóa dân số với tốc độ nhanh. Như trên
đã nêu, vào thời điểm 2015, Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu chứng kiến sự khởi
đầu của một quá trình suy giảm quy mô nhóm người trong độ tuổi lao động và sự
gia tăng của nhóm người không nằm trong độ tuổi lao động. Sau khi đạt mức cao
nhất là 356,4 triệu người (năm 1975) – tương đương 38,95% dân số, số người
trong độ tuổi này đã giảm xuống và đến năm 2030 ước chỉ còn 203,6 triệu người
– tương đương 14,6% dân số Trung Quốc vào thời điểm đó. Trong khi đó, số
người từ 65 tuổi trở lên có xu hướng tăng liên tục, đến năm 2030 sẽ đạt từ 229 -
268 triệu người – tương đương 16,5% dân số Trung Quốc, vượt qua số dân trong
độ tuổi 0 - 14. Năm 2015, cơ bản lực lượng người trong độ tuổi lao động của
Trung Quốc sẽ tiến sát đến mức 1 tỉ người – tương đương 72,7% dân số - qua đó
xác lập mức cao nhất về tỉ lệ người trong độ tuổi lao động/người không trong độ
tuổi lao động – 2,66 lần. Tuy nhiên, đến năm 2030, khi số người trong độ tuổi
lao động của Trung Quốc sẽ giảm còn 960 triệu – tương đương 68,9% dân số –
thì tỉ lệ này sẽ giảm về mức 2,22.
Đặc biệt, quá trình này không chỉ diễn ra đối với các nhóm dân số nằm ngoài
độ tuổi lao động mà còn diễn ra ngay trong nhóm dân số trong độ tuổi lao
động(15 - 64 tuổi). Phân chia nhóm người trong độ tuổi lao động thành 3 nhóm
15 - 24, 25 - 59 và 60 - 64 có thể nhận thấy quy mô của nhóm 15 - 24 và 25 - 59
đều thể hiện khuynh hướng suy giảm. Trái ngược với đó là sự gia tăng của nhóm
60 - 64. Hàm ý quan trọng của số liệu này cho thấy không chỉ dân số Trung Quốc
ở trong tình trạng bị già hóa mà dân số trong độ tuổi lao động (hoặc lực lượng
lao động) cũng đang có sự già hóa ngày càng rõ nét. Kết quả của quá trình này
có thể khiến dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc bước vào thời kỳ tăng
trưởng âm từ năm 2020 (Hình 8.10).
Hình 8.10: Ước lượng tăng trưởng lao động Trung Quốc đến 2050 (%)