- Cậu yên tâm, mình sẽ không bao giờ tự sát, không làm cái điều ngu
xuẩn ấy đâu, mình còn có vợ và con.
- Thôi, hãy tự bảo trọng, giữ gìn!
Anh chia tay Lương và giấu, không nói ra rằng Lương đã nằm trong danh
sách những người sẽ bị thanh tra đợt hai.
Bao nhiêu năm sau, mười năm... không, đúng hai mươi tám năm, tại
khách sạn ở Hương Cảng anh nhận được điện thoại, đầu dây bên kia bảo rằng,
tôi là Lương Khâm, đọc báo thấy người ta đang công diễn vở kịch của anh.
Anh nhớ không nổi Lương Khâm là ai và đã gặp nhau trong trường hợp nào,
chắc muốn xem kịch, nhưng kẹt vé, vì vậy anh vội vàng xin lỗi, kịch diễn
xong rồi. Lương Khâm đáp lại, là bạn đồng nghiệp của anh, muốn mời anh
cùng đi ăn cơm. Anh nói sáng sớm mai phải bay về Paris, không còn thời gian
nữa, hẹn dịp khác vậy. Lương Khâm nói, thế thì tôi sẽ đến ngay khách sạn,
chờ một lát nhé. Anh không thể chối từ, đặt ống nghe xuống và lúc này mới
nhớ ra họ Lương và lần cuối cùng nói chuyện với nhau trong khi đang cưỡi xe
trên phố.
Lương Khâm âu phục chỉnh tề, tóc nhuộm đen, vàng đeo sáng chóe, kể
chuyện anh bạn láng giềng sau khi hay tin vụ lá thư, cuốn từ điển và bao nỗi
khổ lụy đã tìm cách đưa cả nhà Lương sang Hương Cảng định cư. Mấy năm
nay làm ăn cũng có tiền, đủ vốn mở công ty riêng, không giàu như ai, nhưng
tạm ổn trong những năm cuối đời, con trai nhận văn bằng tiến sĩ ở Canada,
hiện nay đang cùng mẹ di cư sang bên đó, thành ra Lương phải một chốn đôi
quê, bay qua bay lại. Lương kết luận, anh ta rất cảm kích, cảm ơn câu nói cảnh
tỉnh năm xưa mà anh đã nhắc nhở.
- Câu gì nhỉ? - Anh hỏi Lương vì đã quên từ lâu.
- “Đừng bao giờ cán mạng sống của mình vào trong đó”. Nếu cậu không
nói câu đó, thì cái đầu này e không còn nữa.
- Ba mình là một ví dụ.
- Ông cụ đã tự sát?
- May nhờ láng giềng phát hiện, gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viện, sống
trở lại, rồi đi nông thôn lao động cải tạo mấy năm, vừa được phục hồi danh dự