chưa đầy ba tháng thì lâm bệnh qua đời.
- Tại sao hồi đó cậu không nhắc nhở ông cụ?
- Hồi đó sao dám viết thư, nếu lộ ra thì chắc gì mình còn sống đến ngày
hôm nay.
- Ừ nhỉ, nhưng ông cụ có vấn đề gì kia chứ?
- Thôi chẳng cần nói nữa! - Anh cảm thán.
- Bây giờ sống ra sao? - Lương hỏi.
- Ra sao nghĩa là ra sao?
- Mình không hỏi gì khác, hiện giờ cậu là nhà văn, mình biết, mình muốn
hỏi là kinh tế thế nào?
- Rõ, cũng qua được.
- Sống bên Tây bằng cây bút, mình hiểu, chẳng dễ dàng gì, đó là chưa nói
tới người Trung Quốc chúng ta, không giống như buôn bán kinh doanh.
- Tự do - anh nói anh muốn tự do - tự do viết những gì mà mình cần viết.
- Nếu có gì, cứ nói thẳng với mình, lúc nào đó khó khăn, chu chuyển
không suôn sẻ thì đừng im lặng, hãy mở mồm nói một tiếng, mình chẳng là
ông chủ to lớn gì cho cam, nhưng...
- Ông chủ lớn cũng không ai nói như cậu - anh cười - bọn họ quyên tiền
cho công trình hi vọng gì đó, mình nghĩ chắc lại muốn buôn bán lớn với tổ
quốc mà thôi.
Lương Khâm rút tấm danh thiếp ghi thêm địa chỉ và số điện thoại ở
Canada. Anh cám ơn và nói, hiện nay không có khó khăn, nhưng nếu viết chỉ
để kiếm tiền thì đã gác bút từ lâu rồi!
- Cậu đang viết vì người Trung Quốc chúng ta?
Anh nói, anh chỉ viết vì bản thân mình.
- Mình hiểu, mình hiểu, hãy viết đi, hãy viết về những ngày tháng không
đáng dành cho con người.
Lương đi rồi, anh tự hỏi: những khổ nạn? Và cảm thấy mệt mỏi, rồi bỗng
nhớ tới người cha.