két sách báo, phủ ni lông trên mặt để có chỗ đặt bát đũa và các vật dụng khác.
Trong nhà đã có vại sành đựng nước, nên chỉ cần đến hợp tác xã sắm thêm cái
bàn nữa là đủ.
Xong công việc đồng áng, chân tay lấm bùn thì sẵn cái ao, xanh ngắt bèo
Tây, khỏe một tý là thấy nước trong, tha hồ rửa ráy, đoạn kéo chiếc ghế tre,
pha cốc chè xanh, vừa nhâm nhi hưởng thụ, vừa ngắm cảnh núi non trùng điệp
mờ hiện trong mù sương, rồi bất giác nhớ tới cổ thi của Đào Uyên Minh, nhà
thơ đời Đông Tấn, “Thái cúc đông li hạ. Du nhiên kiến nam sơn”, nhưng đâu
được an nhàn, ẩn cư như đại phu họ Đào. Mỗi ngày, sáng tinh mơ, hễ loa
phóng thanh nổi vang điệu nhạc “Đông phương hồng, mặt trời lên, Trung
Quốc xuất hiện Mao Trạch Đông...” là vội vàng bò dậy, mắt nhắm mắt mở
cùng nông dân ra đồng làm lụng, không cần giả bộ trang nghiêm đọc lời Mao
như dạo trước. Rồi sau mười tiếng đồng hồ lao lực, cũng không bị ai giám sát,
dựa lưng thả người trên chiếc ghế tre, hớp một ngụm trà, duỗi chân thoải mái.
Đêm đến một mình lăn qua trở lại giữa cái giường ván to, chẳng phải đề
phòng trong mơ ú ớ nói ra điều gì húy kỵ, cuộc sống như thế này, anh nghĩ,
quả là hạnh phúc. Từ đấy anh chỉ còn cách làm người nông dân thực sự, dựa
vào sức lực của mình mà kiếm bát cơm. Anh phải học đủ nghề, cày bừa, đắp
bờ, tát nước, cấy mạ, bón phân, gặt hái, gánh gồng... nghĩa là tất cả để vì công
điểm, chứ không chỉ trông chờ mỗi đồng lương, còn lâu mới phát cho các viên
chức hạ phóng về nông thôn. Vả lại anh cũng cần trà trộn, lặn lội giữa đám
dân quê như vậy, tránh mắt thiên hạ dòm ngó, tình nghi, may ra có chỗ yên
thân tới già, đến chết, tự tìm cho mình một xứ sở quê hương.
Sau vài tháng cần mẫn học hành, tốc độ làm lụng của anh đã theo kịp
nông dân. Không giống như mấy cán bộ trên huyện về xã chưa được đôi ba
ngày bèn đua nhau chuồn thẳng, anh kiên trì ở lại; cũng khác với đám rắn đầu
đàn thôn xóm, chỉ tay năm ngón, ra đồng oai phong bộ điệu, anh chân lấm tay
bùn và do đó được bà con, người có chức sắc trong làng tín nhiệm, anh bắt đầu
cạy đinh, mở két sách luôn mang theo mình từ độ xa Bắc Kinh. Kịch bản Thế
lực hắc ám của Lev Tolstoy nằm trên cùng, nước mưa lọt qua khe gỗ thấm lên
trang bìa làm cho chòm râu của Tolstoy lốm đốm vàng, vở kịch này viết về
chuyện người nông dân nọ giết con, tâm lý căng thẳng, sợ hãi và âm mưu của