gánh than đen nấu ba mươi ngày, cho nên lần này lên núi đốn củi vừa tiết kiệm
tiền chất đốt hàng ngày, vừa có dịp tìm hiểu đó đây, nơi mà Dung đã nói “thiên
cao hoàng đế viễn”.
Anh và đoàn người đi đốn củi tạm nghỉ giây lát trước cửa rừng, thuộc địa
phận đội sản xuất xa nhất của công xã, lèo tèo vài hộ dân. Anh nhìn thấy một
cụ già đeo mục kỉnh gọng vàng ngồi sưởi nắng trước cửa, tay cầm cuốn sách
cổ và đang chăm chú đọc.
- Dạ thưa cụ, cụ vẫn có thể xem sách? - Anh hỏi.
Cụ già hạ mục kỉnh nhìn anh và nhận ra là anh không phải nông dân vùng
này, ừ một tiếng rồi để cuốn sách xuống. Anh hỏi tiếp.
- Cho con xem sách của cụ một tý, được không ạ?
- Y thư - cụ già trả lời ngay.
- Tên sách?
- Thương hàn luận, cậu hiểu không?
- Cụ là thầy thuốc?
Cụ già đưa cuốn sách của mình cho anh xem, đúng là sách cổ, viết một
mạch không có chấm phẩy như văn phạm ngày nay, in trên giấy được xeo
bằng bột tre nứa, màu xám vàng nhưng rất sáng, có lẽ phải từ đời Tiền Thanh
là ít, sách còn để lại rất nhiều khuyên đỏ, chắc là dấu ấn của tổ tiên muốn
truyền cho hậu thế. Anh cung kính cầm hai tay trả lại cuốn y thư cho cụ già
khiến cụ cảm động, bèn gọi vọng vào trong:
- Lấy cho đồng chí đây cái ghế, và pha bát nước trà, nghe chưa? - Giọng
cụ âm vang, khỏe khoắn, chắc là do nhiều năm lao động luyện rèn, lại hiểu
cách chăm dưỡng của Trung y.
- Dạ cám ơn cụ, xin đừng khách sáo.
Một phụ nữ luống tuổi nhưng còn đẫy đà, duyên dáng, chẳng rõ là con
đẻ, con dâu hay bạn đời tục huyền của cụ bước ra, đưa ghế cho anh ngồi, rồi lễ
phép pha trà, một bát sứ to ngập lá chè nóng hổi. Anh gật đầu tạ ơn, tay bưng
bát nước, đưa mắt nhìn quanh, bốn bề núi biếc, nhiều ngọn cây đung đưa trước
gió nhưng chẳng tạo nên tiếng động nào.
- Đồng chí đây từ đâu tới?