Chân thực chính là nỗi phiền muộn, nuối tiếc đối với anh, và anh phải tìm đến
một loại tinh thần nào đó chịu đựng được đau khổ, để mà sống tiếp tục, giống
như đứng bên ngoài hiện thực kiểu chuồng heo để hư cấu cái cảnh giới thuần
túy cho riêng mình, hoặc có thể nói là chuyện thần thoại của thời kỳ đương
đại, thần thoại hóa hiện thực và từ trong sách vở tìm niềm vui, tìm sự cân bằng
giữa sinh tồn và đầu óc.
Anh chép lại những mẩu chuyện thần thoại đã sáng tác vào một cuốn sổ
tay mà sinh thời mẹ anh còn để lại, đặt tên người Tây dương, người Hy Lạp,
hay bất cứ nước nào, nghe tựa tựa như “Aristor” gì đó là được, rồi cả gan đề
danh tính dịch giả Quách Mạt Nhược, cũng chẳng chết ai. Nhà thơ lão thành
này khi cách mạng vừa bùng nổ bèn phát biểu lên báo chí tuyên bố toàn bộ tác
phẩm của mình trước đây đều đáng thiêu hủy, nên đã nhận được ân điển đặc
biệt của ông Mao mà sống sót. Anh có thể nói đó là những trước tác dịch thuật
của Quách lão ở nửa đầu thế kỷ, lúc ấy anh đang học đại học và đã từng chép
lại không thiếu một thiên, anh nghĩ nơi sơn cùng thủy tận này, ai mà đủ sức tra
cứu, vạch lá tìm sâu.
Nửa phần đầu cuốn sổ tay ấy là nhật ký của mẹ anh khi bà đang lao động
ở nông trường, trước khi chết đuôi. Hồi đó là thời kỳ đói kém do “Đại nhảy
vọt” gây nên, bà đã bị điều đi “Trường cán bộ 5.7”, thực chất là một nông
trường cải tạo trí thức. Mẹ anh làm việc cật lực, dành dụm mấy tháng phiếu
thịt, phiếu trứng để bồi dưỡng cho anh, bà nhịn đói, nhịn khát cho tới mức phù
thũng. Hôm ấy lúc bình minh vừa rạng, tan ca đêm, mẹ anh ra sông tắm gội,
chẳng rõ vì đói quá hay lao động mệt nhọc mà rơi xuống nước, chết tươi. Mãi
sau nhờ một nông dân chăn vịt phát hiện, người ta vớt thi thể bà lên, khám
nghiệm và kết luận thiểu năng tuần hoàn não. Anh không được nhìn thấy di
thể của mẹ, mà chỉ có bên mình cuốn nhật ký còn dang dở do bà để lại, rồi
chép những chuyện thần thoại vào nửa sau, và cũng chôn dưới đất, trong một
cái vại muối dưa.