Anh nói, vở kịch đó viết từ hồi anh còn ở Đại lục, nhưng đều công diễn
tại hải ngoại, những vở sau này không liên quan gì với Đại lục nữa. Chu bảo,
ông ta cũng vậy, vợ con đều là dân bản địa, Hương cảng cả, ông đến đây gần
ba mươi năm rồi, có thể xem là người Hương Cảng, bây giờ quan hệ với Đại
lục chỉ trên lĩnh vực nghiệp vụ, nhưng làm ăn ngày một khó, đã định rút về
một khoản tiền vốn.
- Ông Chu sẽ đầu tư vào đâu?
- Úc châu. Sau khi xem vở kịch của ông tôi lại càng kiên định chủ ý của
mình.
- Úc châu không bài Hoa và nếu mọi người Hương Cảng đều đổ dồn sang
bên ấy?
- Đó là vấn đề tôi muốn thảo luận với soạn giả.
- Tôi không hiểu Úc châu, tôi sống ở Paris.
- Thế thì nước Pháp, theo ông?
- Ở đâu mà chẳng có chủ nghĩa dân tộc và nước Pháp cũng không ngoại
lệ...
- Người Hoa ở phương Tây chắc khó sống.
Anh có vẻ xúc động, đoạn nói, ông Chu trưởng thành nơi đây, xem ra làm
ăn ở Hương cảng cũng có thể tiếp tục, tuy vậy vẫn nên chuẩn bị cho mình hậu
lộ, cửa sau. Chủ tịch Chu lấy làm vinh hạnh được cùng anh ăn cơm, đàm đạo,
ông bảo anh “văn như kì nhân”, thật là chân thành. Anh đáp, ai cũng sống với
cái mặt nạ, khó mà cởi bỏ nó ra. Chu lắc đầu, không, anh là người bạn tốt, ông
tỏ ra từng trải, như hiểu hết nhân tình thế thái.
Ba giờ chiều, anh phải chia tay với Chu vì có cuộc hẹn gặp kí giả, đó là
một cô gái đeo kính.
- Thưa ông, tôi rất ít khi mang kính, nhưng mới lần đầu cảm thấy ảnh ông
đăng trên báo, nên muốn nhìn cho rõ, ông có thể cho sử dụng máy ghi âm?
- Tùy cô.
- Tôi muốn chính xác, thưa ông, tuy vậy cũng không ít phóng viên
Hương cảng tự ý soạn thảo, đã làm cho nhiều nhà văn Đại lục phật lòng, thậm