Tiểu Ngũ Tử mà La nói là một cô gái rất thoải mái, thác loạn và có vẻ La
đã xem thường, đùa cợt nhiều lần.
- Con nhỏ biết gảy ghi ta và hát rất ngọt, chứ không như mấy cô sinh viên
của cậu, chỉ được mỗi cái trò giả bộ làm duyên.
Anh rất muốn gặp Tiểu Ngũ Tử xem sao. Trong lúc La thân hành đi tìm
cô gái, anh ngồi chờ và đọc thơ La, nhiều bài vô cùng xúc động, còn vượt cả
Nữ thần của Quách Mạt Nhược năm xưa, quả xứng danh là nhân tài thi ca,
nhưng tiếc một nỗi là khó có thể xuất bản. La về, anh cảm kích, cầm tập thơ và
nói:
- Đây mới thật là thơ!
- Có gì đâu, viết cho mình thôi mà.
Tiểu Ngũ Tử đi đôi guốc mộc, hàng mi đen, dày, áo hoa tay trần và bộ
ngực nở nang. Mới mười lăm thôi mà đã phát dục đẫy đà, gợi cảm. Cô gái
đứng tựa cửa ngó vào, chưa chịu tiến bước.
- Cũng làm thơ như anh đấy. - La giới thiệu anh với cô gái. Thực tình thì
La chưa đề đọc thơ anh, nhưng cách giới thiệu như vậy là tốt nhất, cứ cho Tiểu
Ngũ Tử đã nghe những câu thơ tuyệt diễm của La và vì thế “nhà thơ”, “làm
thơ” là ý tại ngôn ngoại, tuy không nói ra mà thiên hạ đều rõ. Cô gái nhoẻn
miệng cười, đôi môi hé mở, anh chưa từng thấy người con gái nào tươi tỉnh
như vậy. Anh gấp tập thơ và nói với La điều gì đó. Luống cuống thẹn thùng
chính là anh, chứ không phải Tiểu Ngũ Tử.
La lấy cây ghi ta cũ kĩ treo sau cửa và bảo Tiểu Ngũ Tử:
- Hát cho các anh nghe một bài đi em!
- Hát bài gì nào?
- Tùy em, hay bài “Cây sơn tra” vậy.
Đây là một khúc dân ca Nga mà thanh niên học sinh thời ấy rất ưa
chuộng, về sau nó bị thay thế bằng nhiều sáng tác ca ngợi lãnh tụ và xã hội
mới. Tiểu Ngũ Tử cúi đầu so dây, bật lên những âm thanh du dương, buồn
buồn, mắt cô bé có vẻ say sưa lạ thường, nhưng anh không nghe rõ gì cả.
Đoạn cô ngẩng đầu nhìn hai người thảng thốt và ngừng tay.
- Em không muốn hát nữa!