Qua thái độ đối với tài sản “chung”, chúng ta có thể đánh giá sự
lương thiện của nhà lãnh đạo. Một số lãnh đạo sẽ vơ hết về mình,
một số người sẽ không tơ hào một xu nào trong ngân quỹ mà họ
được giao phó. Thời nay chúng ta được biết nhiều nhà lãnh đạo như
Ferdinand Marcos và vợ, Imelda (người có đến hàng ngàn đôi giày)
đã chiếm đoạt rất nhiều tài sản quốc gia trước khi trốn ra nước
ngoài. Thử so sánh giữa việc biển thủ và trốn chạy của họ với hành
động của Samuel, người được tôn là Linh mục tối cao của Do Thái
trong vài thập kỷ. Ông không chỉ từ chối nhận những thứ không phải
của ông mà còn yêu cầu giáo dân chỉ ra những thứ ông tích góp được
nhờ địa vị của mình, rồi nhanh chóng trả lại một cách vui vẻ!
Tôi đứng đây. Hãy làm chứng cho tôi trước Chúa… Tôi đã lấy bò
của ai? Tôi đã lấy lừa của ai? Tôi đã lừa dối ai? Tôi đã bóc lột ai?
Tôi đã nhận hối lộ của ai để nhắm mắt làm ngơ? Nếu tôi đã làm
bất cứ điều sai trái nào kể trên, tôi xin sửa chữa lỗi lầm.
“Ngài chưa bao giờ lừa dối hay bóc lột chúng tôi”, họ trả lời.
“Ngài chưa bao giờ cướp bất cứ thứ gì khỏi tay chúng tôi.” (1 Sam.
12:1-4)
Bây giờ có được bao nhiêu nhà lãnh đạo cả trong kinh doanh lẫn
trong chính trị dám tự nguyện công khai chất vấn mình như vậy?
Michael Milken và Ivan Boesky chắc chắn sẽ không qua được kỳ sát
hạch này. Và rất nhiều lãnh đạo ở các nước thuộc thế giới thứ ba
như Vua nước Borneo, biển thủ 1 tỷ đô la dầu lửa của quốc gia.
Nhưng thế giới thứ ba không phải là nơi duy nhất có những chính
trị gia không kiểm soát được mình: Chỉ cần hỏi chuyện người tài xế
lái chiếc xe tải đã dừng lại trước cửa ngôi biệt thự mới của cựu Tổng
thống Clinton ở hạt Westchester, sau đó lặng lẽ lăn bánh và trở về
trả lại cho Nhà Trắng một bộ sưu tập khổng lồ những đồ đạc đắt
giá mà ông ta được biếu tặng − không phải cho cá nhân ông ta mà là
cho “Văn phòng Tổng thống.”