đạo bày tỏ lòng nhân ái và lòng tốt không nhất thiết sẽ bị chế
giễu và phớt lờ sau lưng. Thậm chí họ còn có thể được kính trọng và
noi gương, nhất là nếu các nhân viên đã thử thách lòng nhân ái và
nhận thấy đó là tấm lòng chân thành và bền vững. Rất nhiều
nhà lãnh đạo hiện nay đã có thể dùng lòng nhân ái và lòng tốt để
quản lý nhân viên mà không hề phải hy sinh các mục tiêu kinh
doanh.
Nguyên tắc vàng
Những người hay nghi ngờ thì tin rằng lời nói của Jesus, rằng
“Hãy đối xử với người khác theo cách ngươi muốn người ta đối xử
lại với mình” là một tư tưởng chỉ thích hợp với một “môi trường lý
tưởng”, như một ngôi trường đạo hoặc một tu viện. Họ cho rằng
“những nguyên tắc vàng” thực sự trong kinh doanh là “Những người
có tiền là những người làm ra các nguyên tắc” và “Thà ta phụ người
chứ không để người phụ ta”.
Chẳng ai dám cho rằng để đạt được những thành quả đi kèm với
lòng nhân ái là một chuyện đơn giản, nhất là khi những thành quả
ngắn hạn lại vô cùng to lớn. Nhưng có nhiều nhà lãnh đạo doanh
nghiệp ngày nay lại nhận ra rằng nếu không đối xử tử tế và nhân
ái với nhân viên, với khách hàng, với nhà cung cấp, thậm chí với cả
đối thủ cạnh tranh nữa, thì những thành quả đạt được trong thời
gian ngắn cũng khó mà giữ được lâu. Và có lẽ điều quan trọng hơn
cả là, nếu không có lòng nhân ái và thiếu đi sự quan tâm tới từng cá
nhân, nơi làm việc sẽ trở thành một môi trường máy móc với những
nhân viên (và cả quản lý nữa) chán nản. Nhân viên đi làm muộn,
nhiều người xin thôi việc hoặc trở nên bất mãn, còn những người
khác thì bỏ đi để tìm cho mình một môi trường làm việc “nhân đạo”
hơn.