Phu nhân khuyên nhủ như vậy. Bọn thám tử mật của vua nghe lời này, trình
với vua rằng họ chẳng oán hận. Sau đó, vua ân hận đi đến nhà phu nhân cầu
xin Mallikà và các con dâu của bà tha thứ và ban một điều ước. Bà đáp:
- Xin nhận.
Bà cử hành tang lễ xong, tắm rửa rồi đến yết kiến vua. Bà nói:
- Tâu Chúa thượng, Chúa thượng đã ban cho thần thiếp một ân huệ. Thần
thiếp xin điều gì ngoài chuyện này: đó là xin Thánh thượng cho phép thần
thiếp cùng ba mươi hai con dâu trở về nhà cha mẹ của mình.
Vua chấp thuận. Bà liền đưa mỗi nàng dâu về nhà cũ, xong chính bà cũng về
nhà cha mẹ mình ở thành Kusinàra. Rồi vua phong chức đại tướng cho một
vị Dìgha-Kàràyana, con trai của một bà chị đại tướng Bandhula. Song vị này
đi đâu cũng vạch tội vua và bảo:
- Vua đã giết cậu ta.
Mãi lâu sau vụ giết hại vị tướng quân vô tội Bandhula ấy, vua cứ bị hối hận
giày vò nên tâm hồn không còn thanh thản, ngài không cảm thấy hứng thú
khi được làm vua nữa. Thời ấy, bậc Ðạo Sư ở gần một thị trấn của dòng họ
Thích-ca tên là Ulumpa. Vua đến đó đóng trại không xa hoa viên ấy, và cùng
vài cận thần đi đến tinh xá để đảnh lễ bậc Ðạo Sư. Vua đem trao năm biểu
tượng của vương quyền cho Kàràyana, rồi một mình đi vào Hương phòng.
Mọi việc tiếp theo được mô tả như trong Kinh Dhammacetiya (Pháp Trang
nghiêm, Trung bộ, số 89).
Khi vua bước vào Hương phòng của đức Phật, Kàràyana cầm lấy năm biểu
tượng của vương quyền ấy và tôn Vidùdabha lên làm vua, chỉ để lại đó cho
vua cũ một con ngựa và một nữ tỳ, rồi đi đến Xá-vệ.
Sau buổi đàm thoại vui vẻ với bậc Ðạo Sư, vua trở về chẳng thấy binh sĩ đâu
cả, ngài hỏi người nữ tỳ, và biết được mọi việc đã xảy ra. Rồi ngài đi đến
kinh thành Vương Xá, quyết định đem theo người cháu trai cùng ngài đi bắt
sống Vidùdabha. Khi vua đến kinh thành thì trời đã tối, cổng thành đã đóng,
nên ngài nằm nghỉ trong một túp lều, bị đuối sức vì dãi dầu sương gió, ngài
băng hà tại đó.
Khi đêm vừa sáng dần, cô nữ tỳ bắt đầu gào khóc: