- Trời ơi! Ðại vương Kosala đã vô phương cứu chữa rồi!
Có người nghe tiếng kêu than liền đưa tin đến vua xứ ấy (tức Ajàtasattu).
Vua này liền cử hành tang lễ cho cậu mình rất trọng thể.
Sau khi vua Vidùdabha an vị trên ngai vàng, nhớ lại mối thù xưa của mình
và quyết định đi sát hại tất cả dòng họ Thích-ca. Với mục đích trên, vua lên
đường cùng với đám đông binh sĩ. Sáng tinh sương hôm ấy, bậc Ðạo Sư
nhìn xuống cõi trần, thấy việc tàn sát kia đang hăm dọa thân tộc Ngài, Ngài
nghĩ thầm: "Ta phải cứu độ thân tộc ta".
Vào buổi sáng, Ngài ra đi khất thực, và sau khi dùng bữa xong trở về an nghỉ
với dáng nằm như sư tử trong Hương phòng của Ngài. Vào buổi chiều, sau
khi đã bay qua không gian đến một nơi gần Ca-tỳ-la-vệ, ngồi dưới một gốc
cây đổ bóng thưa thớt; gần đó, một cây đa khổng lồ rợp bóng sừng sững trên
biên thùy vương quốc của vua Vidùdabha. Khi thấy bậc Ðạo Sư, vua
Vidùdabha đến gần đảnh lễ Ngài và nói:
- Bạch Thế Tôn, tại sao Thế Tôn lại ngồi dưới gốc cây thưa thớt như vậy
trong bầu trời nóng nực này?
Ngài đáp:
- Thưa Ðại vương, cứ để mặc Ta. Bóng cây của thân tộc Ta khiến cho Ta
mát mẻ.
Vua suy nghĩ: "Chắc hẳn bậc Ðạo Sư đến đây để che chở cho thân tộc Ngài".
Vì thế vua đảnh lễ bậc Ðạo Sư rồi lại trở về Xá-vệ. Còn bậc Ðạo Sư đứng
dậy đi đến Kỳ Viên. Lần thứ hai vua nhớ lại mối hận thù của mình đối với
dòng họ Thích-ca, lần thứ hai vua lên đường, cũng thấy bậc Ðạo Sư ngồi
đúng chỗ cũ, nên vua lại ra về.
Lần thứ tư vua ra đi, và bậc Ðạo Sư, khi xem xét kỹ những nghiệp quả quá
khứ của dòng họ Thích-ca, nhận thấy rằng không thể nào tránh được hậu quả
của ác nghiệp kia trong việc họ đã thả thuốc độc xuống dòng sông, nên Ngài
không đi đến đó lần thứ tư nữa. Lúc ấy vua Vidùdabha giết hết dòng họ
Thích-ca, bắt đầu bằng những hài nhi còn bú, lấy máu trong tim chúng và
rửa cái ghế ngồi, rồi ra về.