- Này Ànanda, ta không cư xử với ông như người thợ gốm cư xử với đám
nồi đất chưa nung đâu. Ta sẽ còn khiển trách nhiều lần nữa, vì "Cái gì là cốt
lõi, cái ấy sẽ tồn tại".
Do vậy, ngài cương quyết giữ cách xử sự phù hợp với lời giáo huấn của đức
Thế Tôn. Ví như người thợ gốm giữa đám đồ gốm, sau một thời gian thường
xuyên đập gõ lên chúng, chỉ chọn cái nồi đã nung kỹ, chứ không chọn cái
nồi đất chưa nung, ngài cũng chọn người tốt như chiếc nồi được nung kỹ kia
bằng cách khuyến giáo và khiển trách nhiều lần như thế. Rồi muốn thuyết
giảng để nêu rõ cho vị ấy hiểu điều này, ngài ngâm vần kệ:
6. Nếu trí đức không được luyện rèn
Trong đời sống để mãi tăng thêm,
Nhiều người phiêu bạt chân buông thả,
Như thể trâu mù cứ bước lên.
7. Song các trí nhân khéo luyện rèn
Ðể cho thiện hạnh mãi tăng thêm,
Chính nhờ đạo hạnh này thuần thục
Nên các tha nhân bước tiếp liền.
Nghe lời này, ẩn sĩ xứ Videha nói:
- Bạch Tôn sư, từ nay về sau xin cứ giáo huấn đệ tử . Ðệ tử trót lỡ nói lời bất
nhã với ngài, xin tha thứ cho đệ tử.
Rồi cúi đầu đảnh lễ cung kính, vị ấy được Bồ-tát thứ lỗi.
Như vậy hai vị đã sống hòa hợp với nhau và trở về Tuyết Sơn. Sau đó Bồ-tát
dạy ẩn sĩ xứ Videha cách chứng đắc Thiền định. Vị ấy tuân thủ và thành tựu
các Thắng trí cùng các Thiền chứng. Hai vị không bao giờ gián đoạn Thiền
định nên về sau tái sinh lên cõi Phạm thiên.
*
Khi Pháp thoại chấm dứt, Bậc Ðạo Sư nhận diện tiền thân:
- Vào thời ấy ẩn sĩ xứ Videha là Ànanda và quốc vương Gandhàra chính là
Ta.