Trường Bộ Kinh – Tập 2 287
- Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch
Thiện Thệ! Khi nghe Thế Tôn trả lời câu hỏi, nghi ngờ của
con diệt tận, do dự của con tiêu tan.
2. Thiên chủ Sakka, sau khi hoan hỷ, tín thọ câu trả lời
Thế Tôn, liền hỏi câu hỏi tiếp:
- Bạch Thế Tôn, tật đố, xan tham, do nhân duyên gì, do
tập khởi gì, cái gì khiến chúng sanh khởi, cái gì khiến chúng
hiện hữu, cái gì có mặt thì tật đố, xan tham có mặt? Cái gì
không có mặt, thì tật đố xan tham không có mặt?
- Này Thiên chủ, tật đố và xan tham do ưa ghét làm
nhân duyên, do ưa ghét làm tập khởi, ưa ghét khiến chúng
sanh khởi, ưa ghét khiến chúng hiện hữu, ưa ghét có mặt thì
tật đố, xan tham có mặt; ưa ghét không có mặt thì tật đố, xan
tham không có mặt.
- Bạch Thế Tôn, ưa ghét do nhân duyên gì, do tập khởi
gì? Cái gì khiến chúng sanh khởi, cái gì khiến chúng hiện
hữu, cái gì có mặt thì ưa ghét có mặt? Cái gì không có mặt
thì ưa ghét không có mặt?
- Này Thiên chủ, ưa ghét do dục làm nhân duyên, do
dục làm tập khởi, dục khiến chúng sanh khởi, dục khiến
chúng hiện hữu. Dục có mặt thì ưa ghét có mặt; dục không
có mặt thì ưa ghét không có mặt.
- Bạch Thế Tôn, nhưng dục do nhân duyên gì, do tập
khởi gì? Cái gì khiến dục sanh khởi, cái gì khiến dục hiện
hữu? Cái gì có mặt thì dục có mặt? Cái gì không có mặt thì
dục không có mặt?
- Này Thiên chủ, dục do tầm làm nhân duyên, do tầm
làm tập khởi; tầm khiến dục sanh khởi, tầm khiến dục hiện
hữu. Tầm có mặt thì dục có mặt; tầm không có mặt thì dục
không có mặt.