Hai thứ vọng nương nhau sanh ra vọng nghiệp, vì có vọng nghiệp
nên vọng thấy có luân hồi; kẻ nhàm chán luân hồi lại vọng thấy có
Niết Bàn, do sự chấp thật ngã tướng này nên chẳng thể ngộ nhập
bản giác trong sạch. Chẳng phải bản giác chống cự với những kẻ
năng nhập, vì có kẻ năng nhập (ngã tướng) thì chẳng phải bản giác
vậy. Cho nên động niệm và dứt niệm đều thuộc về mê muội.Tại sao?
Vì có bổn khởi vô minh đã làm chủ cho mình từ vô thỉ rất khó đoạn
trừ, phải có huệ nhãn mới trừ được. Vì tất cả chúng sanh sanh ra
chẳng có huệ nhãn, hiện tiền các tánh thân tâm đều là vô minh, vô
minh chẳng thể dứt vô minh, cũng như người có sinh mạng, sinh
mạng chẳng thể tự dứt sinh mạng vậy.
Vậy ngươi nên biết, có người yêu ta tùy thuận với ta thì tâm sanh
hoan hỷ, người chẳng tùy thuận thì liền sanh oán ghét. Có tâm yêu
ghét để nuôi dưỡng vô minh làm cho vô minh tương tục mãi, nên cầu
đạo chẳng thể thành tựu.
Thiện nam tử! Thế nào là ngã tướng? Những chúng sanh tu hành,
tâm biết có sở chứng đều thuộc về ngã tướng.
Thiện nam tử! Ví như có người cơ thể điều hoà thư thái, tay chân thư
giãn, bỗng quên mất thân ta, vì ăn uống thất thường sanh ra bệnh
hoạn, nhờ thầy thuốc châm cứu thấy đau mới biết có ta còn đây, cho
nên người chấp có sở chứng mới hiện ra ngã tướng.
Thiện nam tử! Nếu tâm liễu tri rốt ráo biết có sở chứng, dù chứng
đến thanh tịnh Niết Bàn của Như Lai đều thuộc về ngã tướng.
Thiện nam tử! Thế nào là nhơn tướng? Như những chúng sanh tâm
có sở chứng, cho kẻ năng chứng là ta, nay tiến thêm một bậc, ngộ
biết chứng chẳng phải ta, ngộ này siêu việt tất cả chứng, nhưng còn
giữ tâm năng ngộ tức là nhơn tướng.
Thiện nam tử! Những tâm biết có năng sở đều thuộc về ngã, tâm dù
chỉ còn chút năng ngộ để chứng lý cùng tột của Niết Bàn đều gọi là
nhơn tướng.
Thiện nam tử! Thế nào là chúng sanh tướng? Chỗ này là những
chúng sanh có tâm biết năng chứng năng ngộ đều chẳng thể đến.