Với niềm tin và sự háo hức được bắt đầu việc nghiên cứu thực địa vào
ngày mai, tôi cuốc bộ trở lại lều trong bóng tối. Khi mắt quen dần với đêm
đầy sao, tôi ngỡ ngàng trước thế giới này mà mới đây, bên ngoài khu vực
được ánh điện chiếu sáng, chỉ là một khoảng không đen thăm thẳm.
Một tuần trôi qua rất nhanh. Mỗi ngày, tôi thu thập các mẫu nước, đá và
các khoáng sản. Tôi dự tính sẽ phân tích chúng khi trở lại phòng thí
nghiệm, hi vọng hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa nước và cấu tạo của đá, nơi
nước chảy qua. Năm nay, lần đầu tiên, tôi nghiên cứu các sinh vật chịu cực
hạn – tảo, vi khuẩn và các vi sinh vật khác – sống trong và xung quanh
Sông Sôi với nhiệt độ có thể giết chết hầu hết các sinh vật.
Đêm trước khi rời khỏi Mayantuyacu, tôi ra khỏi lều và bước vào bầu
không khí buổi tối mát mẻ. Đã đến lúc nói lời tạm biệt.
Đại sư nằm thư thái trên võng trong khi Luis, người hướng dẫn đi rừng
trước kia của chúng tôi, ngồi trên một chiếc đệm sàn và nhả khói từ một
điếu mapacho.
Mauro, học trò mới của Đại sư, ngồi trên một cái ghế nhựa thấp.
“Buenas noches,”* tôi lên tiếng.
* Xin chào (buổi tối).
“Bác sĩ trẻ!” Đại sư cười, đôi mắt thấp thoáng qua làn khói.
“Tuần qua, chúng tôi hiếm khi thấy cậu,” Mauro nói. “Tôi làm việc,” tôi
đáp.
“Đúng đấy,” Luis nói. “Tôi đã thấy cậu ấy nhiều lần, lúc nào cũng một
mình với dòng sông.” Sau đó, quay sang tôi: “Giờ cậu di chuyển trong rừng
đã khác.”
Tôi ngạc nhiên. “Anh nhìn thấy tôi khi nào? Tôi tưởng lúc nào tôi cũng
chỉ có một mình thôi chứ!” Luis mỉm cười tinh quái.
“Đúng vậy – Giờ con đã di chuyển khác rồi,” Đại sư nói. “Các nghiên
cứu của con thế nào?” ông hỏi tôi.
Tôi kể đầy đủ cho ông nghe về nghiên cứu của mình. Ông chăm chú lắng
nghe, háo hức tìm hiểu xem thời kỳ Đại Văn Minh chứng minh tầm quan