74
Phương pháp
Kỷ luật tích cực
Hai quy tắc cho việc áp dụng Hệ quả tự nhiên
1. Không gây nguy hiểm cho trẻ: Hệ quả tự nhiên là cách giúp trẻ nhận ra kết quả hành
vi của mình một cách tự nhiên. Tuy nhiên, người lớn phải đảm bảo an toàn cho trẻ. Ví dụ,
chúng ta không được để cho trẻ nhỏ sờ vào điện, nước sôi hay đi qua đường phố nhiều
xe cộ qua lại,… chỉ để dạy trẻ trải nghiệm hệ quả tự nhiên.
2. Không làm ảnh hưởng đến người khác: Ví dụ, không được để con bạn ném đá vào
người khác. Vì khi đó, tuy trẻ có thể nhanh chóng nhận ra kết quả tiêu cực của hành vi
đó, nhưng người kia phải chịu đau đớn chỉ vì bài học cho con bạn. Trẻ cũng có thể không
học được gì nếu trẻ không quan tâm hoặc không nhận ra rằng hành vi của mình có ảnh
hưởng đến người khác (không tắm rửa, đánh răng thường xuyên gây mùi hôi,…). Vì vậy,
bạn cần giúp trẻ hiểu rõ hành vi của trẻ gây ảnh hưởng thế nào đối với người khác đồng
thời không được để nguy hại đến người khác.
Ba quy tắc cho việc áp dụng Hệ quả lôgíc
Việc dùng Hệ quả lôgíc chỉ có hiệu quả khi bảo đảm được 3 quy tắc sau:
1. Liên quan: Nguyên nhân và hệ quả phải có liên quan với nhau. Khi trẻ bày bừa đồ chơi thì
Hệ quả lôgíc là dọn dẹp lại đồ chơi hoặc không được chơi tiếp nữa. Khi trẻ làm đổ nước
ra bàn, ra nhà thì phải lau sạch nước. Khi trẻ viết bậy lên bàn thì trẻ phải lau chùi bàn cho
sạch (chứ không phải là bắt trẻ quét sân trường, dọn nhà vệ sinh vì các hình thức đó là
trừng phạt, không liên quan đến hành vi làm bẩn bàn của trẻ).
2. Tôn trọng: Nếu người lớn không thể hiện sự tôn trọng khi yêu cầu trẻ khắc phục lỗi, mà
thay vì đó làm trẻ bị bẽ mặt như mắng chửi trẻ, dọa nạt trẻ,… thì đó là cách thức trừng
phạt trẻ. Khi đó, việc dùng Hệ quả lôgíc sẽ không hiệu quả. Ví dụ, khi người lớn nói “đồ hậu
đậu, có thế mà cũng làm đổ. Lau ngay bàn đi không ăn đòn bây giờ”, trẻ có thể vẫn hiểu
rằng phải lau bàn, nhưng chỉ vì sợ hãi.
3. Hợp lý: Nếu người lớn vô lý yêu cầu trẻ phải dọn đồ chơi, lau lại nền nhà và phải rút được
ra bài học mà không giải thích thì đó cũng không còn là sử dụng Hệ quả lôgíc nữa. Tính
hợp lý không còn, cộng với việc người lớn dùng quyền để bắt trẻ rút kinh nghiệm cho lần
sau thì trẻ sẽ khó hợp tác để thay đổi.