làm việc xuống còn 30 giờ một tuần sẽ mang lại cho Lulu sự tự do thoát
khỏi môi trường làm việc ngột ngạt. Tuy nhiên dưới con mắt người chủ, đây
chính là hiệu suất bị mất đi. Hay nói cách khác, trong hầu hết các công việc,
bạn nên kỳ vọng rằng người chủ của bạn sẽ chống lại quyết định có được
nhiều quyền kiểm soát hơn của bạn; họ có đủ mọi động cơ để cố gắng thuyết
phục bạn tái đầu tư vốn sự nghiệp vào công ty, để có nhiều tiền và thanh thế
hơn thay vì nhiều quyền kiểm soát hơn. Và đây quả là một lời mời khó
cưỡng lại.
ĐỊNH NGHĨA LẠI LÒNG CAN ĐẢM
Quay lại Quy tắc #2, tôi đã không đồng tình với “văn hóa lòng can
đảm.”Đây là thuật ngữ mà tôi dành cho một lượng lớn các tác giả và cộng
đồng mạng đang phát triển - những người thúc đẩy ý tưởng rằng thứ duy
nhất cản đường bạn và công việc mơ ước của bạn chính là lòng can đảm
dám bước đi trên con đường ít người đi. Tôi cho rằng chính văn hóa lòng
can đảm này đã dẫn Lisa Feuer đến chỗ từ bỏ công việc trong tập đoàn để
theo đuổi một công việc yoga đầy rủi ro. Văn hóa này cũng đóng vai trò lớn
trong việc sản sinh ra nhiều thành viên kém thành công trong cộng đồng
những người ủng hộ phong cách tự thiết kế lối sống.
Với những hiểu biết về cái bẫy thứ hai này tôi cần phải điều chỉnh lại thành
kiến trước đây của mình. Can đảm không phải là không có liên quan đến
việc tạo ra công việc bạn yêu thích. Như chúng ta thấy Lulu và Lewis cần
kha khá sự can đảm để lờ đi sự chống đối được tạo ra từ cái bẫy này. Tuy
nhiên, bí quyết ở đây là biết khi nào là thời điểm phù hợp để trở nên dũng
cảm trong các quyết định về sự nghiệp của mình. Khi canh đúng thời điểm,
bạn sẽ có một công việc tuyệt vời chờ đón bạn, nhưng nếu sai lầm rơi vào
cái bẫy kiểm soát thứ nhất thì hậu họa khó lường. Chính vì vậy, cái lỗi của
nền văn hóa lòng can đảm không nằm ở thông điệp của nó rằng can đảm là
tốt, mà nằm ở việc đánh giá thấp tính phức tạp của việc phát huy lòng can
đảm một cách hữu ích.