cuộc đảo chính. Tại đại sứ quán Mỹ ở Seoul, Phó đoàn ngoại giao Mỹ
Marshall Green đã cố vấn chủ yếu cho Chang Do-young và Trung
tướng dự bị Kim Hong-il, Bộ trưởng Ngoại giao, về những sự vụ hàng
ngày của chính phủ cho dù đã sớm thấy rõ rằng chính Park mới là
người nắm giữ quyền lực thật sự dù cho trên danh nghĩa ông chỉ giữ
chức Phó chủ tịch SCNR.
Có những lý do khác cho việc trì hoãn thiết lập quan hệ với chính
quyền quân sự. Bên cạnh mục tiêu nâng cao vị thế trước quân đội, Hoa
Kỳ cũng phải đối mặt với bối cảnh phức tạp của quá trình chuyển giao
khi Yun Po-sun vẫn còn làm tổng thống. Tuy văn phòng của ngài tổng
thống gần như chỉ có mang tính tượng trưng, với Yun là người đứng
đầu nhà nước, nhưng sự hiện diện của ông cũng tạo được cảm giác về
sự tiếp nối ổn định hợp pháp và có nghĩa là Mỹ không cần phải vội
công nhận chính quyền quân sự là một chính quyền “mới” của Hàn
Quốc. Hoa Kỳ có dư thời gian để đưa ra các điều kiện cho việc chấp
nhận các lãnh đạo đảo chính. Hơn nữa cũng không thể chắc chắn ai
mới là người chiến thắng trong cuộc đấu tranh quyền lực dữ dội trong
nội bộ chính quyền quân sự. Vậy nên, không những không cần thiết
phải liều lĩnh đặt cược sức ảnh hưởng của Mỹ vào một phe phái cụ
thể, mà bằng cách rút lại sự ủng hộ, siêu cường viện trợ này còn có thể
“thuần hóa” lớp lãnh đạo đang lên, cho dù đó cuối cùng sẽ là Park,
Chang Do-young, hay một lực lượng thứ ba chưa xuất hiện. Trì hoãn
là chiến thuật tốt nhất cho cường quốc này trước một tương lai không
chắc chắn.
Thêm vào đó, các lãnh đạo đảo chính đã nhiều lần gây khó chịu cho
các quan chức Mỹ ở Seoul và Washington. Sau vụ việc chính quyền
quân sự bắt giam Trung tướng Yi Han-lim, Tư lệnh Tập đoàn quân số
1 vào ngày 18 tháng 5 vì các hoạt động chống đảo chính, việc chính
quyền này tiếp tục điều động hai sư đoàn của Tập đoàn quân số 1 từ
tiền tuyến về thủ đô mà không được sự đồng ý trước của Đại tướng
Magruder đã vi phạm hiệp ước Taejon ký ngày 12 tháng 7 năm 1950