cũng không thể giải thích được các bài toán hóc búa về sự thống trị
của Park Chung Hee: làm sao chế độ này tồn tại đến 18 năm bất kể
một loạt những khủng hoảng chính trị, kinh tế và an ninh tưởng như sẽ
không bao giờ chấm dứt; tại sao ông lại phải đấu tranh dữ dội cho các
khoản trợ cấp nông thôn và xây dựng Saemaul Undong (Phong trào
Nông thôn Mới) tốn kém, nếu như người nông dân dễ bị thao túng; và
điều gì có thể lý giải cho sức hút của ông đối với những cử tri vùng
nông thôn.
Để trả lời cho những câu hỏi khó này, cuốn sách này kết hợp cả
cách nhìn từ trên xuống và từ dưới lên, nghiên cứu cách sử dụng chính
sách cà rốt và cây gậy, tổ chức và biểu tượng cũng như sức hút cá
nhân và các thể chế chính thức của Park cho công tác vận động chính
trị ở các lực lượng quần chúng. Chúng tôi phủ nhận mạnh mẽ giả định
về sự được-mất khi Park sử dụng cà rốt và cây gậy. Chính quyền quân
sự đã hứa trong năm 1961 sẽ thanh toán “các khoản nợ nặng lãi” ở
vùng quê trong khi lại đi giải thể các tổ chức nông thôn thông qua một
sắc lệnh (Chương 3). Cũng như vậy, giai đoạn yushin đã chứng kiến
một sự gia tăng đáng kể “cà rốt” và “cây gậy” đối với nông dân Hàn
Quốc khi Park cố gắng cách ly họ ra khỏi những người bất đồng
chaeya cũng như khỏi những cử tri thành thị với truyền thống hay lý
sự. Thật ra phân biệt được “cà rốt” và “cây gậy” là rất khó khăn ở
những lần can thiệp chính trị, như ở Saemaul Undong của Park, bởi
“cà rốt” có thể ngay lập tức biến thành “cây gậy” khi có mối đe dọa
lấy đi cà rốt. Bộ Nội vụ, cơ quan quản lý hơn 14.000 ủy ban xã
(myeon), các đơn vị hành chính thấp nhất và nhỏ nhất ở Hàn Quốc,
cũng như Liên đoàn Hợp tác Nông nghiệp Quốc gia (NACF), cơ quan
với hơn 90% nông dân là thành viên, đã tạo nên một thể chế hai mặt
đe dọa “cà rốt” (Chương 12).
Như Young Jo Lee lập luận, trong trò chơi vận động nông thôn, các
nông dân Hàn Quốc không phải là những người suy nghĩ hạn hẹp, bị
ám ảnh bởi nguyên tắc tuân thủ chính trị. Ngược lại với quan điểm