phát triển nếu việc thống nhất quốc gia tiến triển đồng thời với - nếu
không phải là được dẫn dắt bởi — dân chủ hóa. Tuyên bố ngày 1
tháng 3 năm 1976 chủ yếu là công sức của Mun Ik-hwan, người từng
là một mục sư Tin lành ôn hòa và trở nên cấp tiến vì tức giận về cái
chết được cho là tai nạn của Chang Chun-ha, một lãnh đạo của giới trí
thức Sasanggye.
Tuyên bố này dẫn đến việc thành lập một liên minh gắn bó hơn giữa
NDP bảo thủ và chaeya cấp tiến. Hai bên nhận ra rằng họ không thể
chống lại Sắc lệnh Khẩn cấp số 9 một cách hiệu quả nếu không dùng
chung những nguồn lực chính trị hiếm hoi của nhau. Hạt mầm cho liên
minh đã được gieo khi chế độ yushin bắt đầu trừng trị chaeya quyết
liệt hơn sau “Tuyên bố Myeongdong”. Đảng chính trị đối lập lúc bấy
giờ rõ ràng đã đứng ra ủng hộ chaeya, đòi trả tự do các lãnh đạo bị
cầm tù của lực lượng này. Sự phản kháng về mặt chính trị được dẫn
dắt bởi bộ phận cấp tiến của Cộng đồng Cơ đốc giáo, những người tổ
chức Ủy ban Công lý và Hòa bình rồi khẳng định rằng Park không còn
nắm giữ bất kỳ quyền chi phối tinh thần đạo đức nào trong nước. Tuy
nhiên, chế độ yushin không dừng tay. Ngược lại, chính quyền truy
lùng và bỏ tù lực lượng lãnh đạo của chaeya.
Các lãnh đạo chaeya
cũng từ chối thỏa hiệp. Trong phiên tòa của mình, Yi Tae-young tiên
đoán về sự hình thành của “cuộc chiến giữa nhân dân và chế độ [của
Park], và một cuộc đấu lớn giữa nhánh tư pháp và cư dân thành phố.”
Khi các công tố viên nhà nước khiêu khích những người bất đồng
chính kiến chaeya vì gây rủi ro về “sự sụp đổ của toàn bộ đất nước
trong cuộc chiến vì tự do và dân chủ”, các bị cáo chaeya tranh luận
rằng chính chế độ yushin, chứ không phải chaeya, đã gây nguy hiểm
đến an ninh quốc gia bằng cách gây ra tình trạng bất ổn chính trị và
làm mất đi sự thống nhất thông qua sự cai trị độc tài chia rẽ. Hơn nữa,
để xoa dịu nỗi sợ hãi của công chúng về tình trạng bất ổn chính trị do
Triều Tiên khiêu khích, các lãnh đạo chaeya tuyên bố rằng họ trung
thành với tư tưởng chống chủ nghĩa cộng sản.