ngoại giao năm 1965 và phát triển quan hệ cá nhân với lãnh đạo của
các công ty thép Fuji, Yawata và Kawasaki.
Phong cách quản lý của Park Tae-jun rất giống với của các công ty
lớn ở Nhật Bản trong giai đoạn tăng trưởng nhanh của Nhật Bản, tuy
nhiên ông cũng thúc đẩy kỷ luật như trong quân đội và cho thấy lòng
trung thành với “tinh thần yêu nước thép”. Cách tổ chức và kỷ luật
quân sự chặt chẽ cho thấy không chỉ nền tảng của chính Park là một vị
tướng mà cả đặc trưng quân đội trong toàn thể chế độ của Park Chung
Hee, phản ánh trong cách tổ chức kể cả ở các ngành công nghiệp nhẹ
như dệt may. Như ở Nhật Bản, Park áp dụng hệ thống thi cử chặt chẽ,
đưa ra những lời mời làm việc lâu dài cho những công nhân cổ cồn
trắng cũng như cổ cồn xanh, và trả lương dựa trên thâm niên. Như
Chao của China Steel, Park nhấn mạnh vào quyền độc lập quản lý như
một điều kiện tiên quyết để chấp nhận nhiệm vụ đầy khó khăn là xây
dựng nhà máy thép tổ hợp. Tổng thống Park trao cho Park Tae-jun
toàn quyền kiểm soát thu mua và nhân sự, đồng thời đồng ý với yêu
cầu của ông rằng POSCO vẫn được tự do bác bỏ các đề xuất về đóng
góp chính trị. Cũng như China Steel, POSCO được thành lập như là
một tập đoàn cổ phần, hầu như không chịu những ràng buộc như các
doanh nghiệp sở hữu nhà nước khác.
Việc thành lập nhà máy tổ hợp sẽ không thể hoàn thiện nếu không
có đối tác nước ngoài. Người Mỹ, Ngân hàng Thế giới và người châu
Âu sớm nguội lạnh trước ý tưởng xây nhà máy thép tổ hợp ở một quốc
gia như Hàn Quốc giữa những năm 1960, một phần vì các nhà máy tổ
hợp ở các nước đang phát triển khác đang trở thành những nỗi thất
vọng vô cùng lớn. Tuyệt vọng khi tìm kiếm bạn đồng hành, Park sử
dụng các mối quan hệ cá nhân của mình để thuyết phục Nhật Bản
chuyển hướng các khoản bồi thường thiệt hại và cho vay nước ngoài
ban đầu vốn sắp xếp cho nông nghiệp và ngư nghiệp sang hoạt động
xây dựng nhà máy thép. Các lãnh đạo ngành thép Nhật Bản tin rằng
quan hệ hòa bình ở châu Á đòi hỏi phát triển các nền kinh tế khỏe