chức mới. Nhiều phái trong liên minh phát triển của Park tham gia vào
cuộc chơi sáp nhập, chia tách và hợp tác đảng phái với các chính trị
gia đối lập và giới bất đồng chính kiến chaeya nhằm tối đa hóa quyền
lực của họ.
Trong quá trình biến đổi chính trị, các cuộc bầu cử trở thành “lựa
chọn duy nhất”. Kể cả Park vốn cũng phải đối mặt với các cuộc bầu cử
và để chiến thắng ông đã kết hợp chiến lược kích động chủ nghĩa địa
phương, vận động ý thức hệ và chính trị tiền bạc làm nền tảng để xây
dựng một liên minh cầm quyền rộng. Ban đầu chiến lược này cực kỳ
có hiệu quả. Sau đó, Park phát triển quan hệ với giới quý tộc gắn kết
cũng như quần chúng trung thành không lâu sau khi ông lên cầm
quyền bằng cách ưu đãi cho những người đồng hương Gyeongsang.
Nhằm kiểm soát quyền lực chặt chẽ hơn, Park lấp đầy các vị trí chính
trị quan trọng chiến lược thông qua khả năng kiểm soát bầu cử, các
quy trình lập pháp, lực lượng tình báo và quân đội của ông, chủ yếu
bằng những người gốc vùng Gyeongsang. Thành phần địa phương của
cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc cũng thay đổi thấy rõ dưới thời
Park khi ông kỳ thị chaebol phía bắc trong những năm chính quyền
quân sự và chống lại chaebol Jeolla sau khi khôi phục chính trị bầu cử
năm 1963. Với vốn đầu tư nước ngoài chảy vào ồ ạt sau năm 1963 và
lãi suất cho vay hạ thấp hơn lãi suất huy động năm 1965, Park có công
cụ hùng mạnh cần thiết để tái tổ chức cộng đồng doanh nghiệp xung
quanh chaebol Gyeongsang. Các chaebol Ssangyong và Panbon, mỗi
doanh nghiệp đều được thành lập bởi một người gốc Gyeongsang,
nhanh chóng gia nhập bảng xếp hạng 10 chaebol hàng đầu của Hàn
Quốc chỉ bốn năm sau cuộc đảo chính của Park, biến những người gốc
Gyeongsang thành số đông trong nhóm quý tộc. Đến năm 1979, tất cả
các chaebol miền bắc đều đã tụt khỏi danh sách này. Quan trọng
không kém, chỉ một lần duy nhất vào năm 1965, một doanh nhân
Jeolla có tên trong danh sách 10 nhà công nghiệp lớn nhất của Hàn
Quốc.