THAY LỜI TỰA
ách đây mấy chục năm, có người trao cho tôi một đống sách vở cổ và
bảo: Những thứ này do các bậc tiền bối của tôi tích trữ, lưu lại nhiều
đời. Thời cha tôi, kể ra nó cũng còn đôi lần được xem xét lại. Đến
đời tôi nó hoàn toàn vô dụng vì sách viết bằng những thứ chữ xưa, tôi
không đọc được. Tôi có để lại thì giỏi lắm đến đời con tôi chúng cũng đem
hút thuốc hoặc bán ký lô thôi. Tôi biếu ông, biết đâu ông chẳng tìm thấy
một đôi cuốn, một đôi chương đoạn mà ông thích.
Mấy mươi năm nay, tôi chưa sờ mó gì đống sách còn nằm trong xó.
Chợt một hôm, nhân cần tư liệu cũ, tôi giở ra xem thấy có một tập nhan đề:
Tống Kỳ Nữ. Ban đầu, tôi ngờ là truyện Tàu chép lại. Nhưng khi thử lướt
qua vài đoạn, tôi ngạc nhiên đến sững sờ: đó là chuyện hoàn toàn Việt Nam
mà lại xảy ra ở Xứ Đàng Trong; cả tỉnh tôi, quê tôi cũng có hiện diện trong
mấy chương đầu.
Chuyện kể cuộc đời Tống Thị, một người đàn bà có thật trong lịch sử
Xứ Đàng Trong đã một thời làm đảo điên cả triều đại chúa Nguyễn, suýt
xóa bỏ cả tên triều đại này trong cơ thể Việt Nam ngay từ những thập niên
đầu thế kỷ XVII.
Tôi chưa thấy người đàn bà nào trong lịch sử nước ta từ khi dựng nước
tới khi chấm dứt chế độ phong kiến (1945) cũng là chấm dứt hẳn triều
Nguyễn lại có cuộc đời sóng gió, ghi dấu ấn sâu sắc, rùng rợn, tác dụng
mãnh liệt xã hội, chính trị, quân sự, đạo đức đến như bà. Bà Chúa Chè làm
điên đảo cơ nghiệp Trịnh Sâm, ghê gớm là thế, cũng chỉ là bóng mờ bên
cạnh bà họ Tống. Đặng Thị Huệ chỉ tác động được Chúa Trịnh bỏ trưởng
lập thứ - một việc thường xảy ra, cụ thể vào giai đoạn Lê Thái Tổ (Lê Lợi)
Lê Thánh Tông. Còn Tống Thị thì thực sự chủ động, tích cực trong việc hại
dân, tích luỹ thành phú gia địch quốc, thay ngôi chúa bằng những hành