Trong một lần tập hợp toàn thể trại tù, thằng Sonderfuerer đột ngột
hỏi: “Thằng Do Thái … và … đâu rồi (hắn xướng họ những người ấy lên)?
Tao đã cảnh cáo những tên này rằng chúng phải chấm dứt việc tuyên truyền
độc hại, nhưng chúng đã không nghe theo lời răn đe của tao.” Những người
đáng thương kia tiến lên trước hàng và lúng búng điều gì đó, cố bào chữa
cho bản thân, và trong lúc luống cuống đã nói “thưa đồng chí”. Thằng
Sonderfuerer hét lên: “Không có đồng chí nào ở đây! Bắt lấy nó!” Hai tên
Polizei tóm lấy con người bất hạnh kia và kéo anh ta vào boongke.
Lại có lần một tên tướng cao cấp của Quân đội Đức tới thăm trại
chúng tôi. Thằng phiên dịch nói với chúng tôi rằng tên kia là chỉ huy
trưởng một đơn vị hậu cần. Tên tướng tới trại chúng tôi, vào khu sinh hoạt
của các sĩ quan. Hắn được hộ tống và bảo vệ bởi bọn quản lý trại giam của
chúng tôi. Hắn chăm chú quan sát nét mặt chúng tôi, có lẽ nhằm tìm hiểu
cái “tâm hồn Nga” bí hiểm và hung bạo. Hắn hỏi vài người về cấp bậc, tên
họ, nơi sinh sống. Sau đó hắn tóm tắt vài lời về tình hình hiện nay ngoài
mặt trận, thông báo rằng Quân đội Đức đang chiến thắng trên mọi mặt trận
và chiến tranh sẽ mau chóng kết thúc bằng thắng lợi của nước Đức. Tôi còn
nhớ trong đó có một câu: “Sông Đông đã bị chiếm và bị vượt qua ở nhiều
nơi”.
Những tên lính Đức thường đi tới vòng rào kẽm gai bên ngoài và đề
nghị đổi những vật dụng có giá trị cuối cùng của tù binh lấy mấy mẩu bánh
mì. Chúng hay đòi đồng hồ, nhẫn, tiền cổ, trà và dao nhíp bỏ túi. Các đồng
đội đôi khi cũng nhờ tôi làm phiên dịch cho những cuộc đổi chác bất nhân
ấy. Tôi còn một đồng 50 kopek bằng bạc có in chân dung Alexander Đệ
Tam do khẩu đội trưởng của tôi (anh ấy đã bị giết hại sau đấy) tặng. Tôi
quyết định đổi đồng tiền ấy lấy bánh mì, dù nó rất quý giá đối với tôi. Tên
Đức, thằng mà tôi tìm cách trao đổi, bảo tôi: “ném đồng bạc qua hàng rào
cho tao. Tao phải được thấy nó trước". "Tại sao tôi lại phải tin ông?” "Tao