không phải là Do Thái", - hắn đáp một cách kiêu ngạo. Thực vậy, hắn
chẳng phải là Do Thái. Để đổi lấy đồng tiền bạc, hắn ném lại cho tôi một
khúc bánh mì đen. Tuy nhiên, sau khi xác nhận là đồng tiền làm bằng bạc
thật, hắn hứa là ngày mai sẽ đem tới thêm ít bánh mì nữa. Giá như bạn biết
nổi tôi đã mong đợi cho tới sáng hôm sau đến thế nào! Vậy mà trời ạ, sáng
hôm sau, ngày 24 tháng Chín năm 1942, chúng tôi bị dựng dậy từ mờ sáng
và bị đưa tới nhà ga để lên tàu tới nước Đức.
Một cuộc kiểm tra kéo dài diễn ra trước khi chúng tôi khởi hành. Việc
khám xét tưởng như bất tận với việc phải đứng nghiêm thật lâu và lục soát
kỹ lưỡng. Lo sợ bị xử bắn, chúng tôi phải tuân lệnh lộn trái túi quần túi áo
để đưa nộp mọi loại dao nhíp, dao cạo và kéo. Khi chúng xét tới tôi, tôi
chìa ra một cái kéo nhỏ và hỏi xin được đem theo. Tên lính Đức thô lỗ giật
cái kéo khỏi tay tôi, lầm bầm rằng chúng tôi được đưa tới Đức để làm việc
chứ không phải để “cắt móng tay”. Thế rồi chúng lấy đi tất cả thắt lưng và
giầy da còn sót lại. Chúng tôi phải đi thế bằng những đôi guốc gỗ mà bọn
Đức đem tới và chất đống trước sân. Người ta không thể chạy và đi bộ lâu
với cái thứ giày dép như thế. Đấy cũng là lúc những kẻ đã phản bội lộ mặt.
Những ai có trong tay một tờ “giấy phép” bằng tiếng Đức, ví dụ như một tờ
chứng nhận đã tự nguyện đầu hàng thì có quyền được giữ lại những đôi
giày da. Cũng cần phải nói rằng trong cả đám tù nhân thì chỉ có hai hoặc ba
kẻ là phản bội.
Trên đường tới nhà ga, chúng tôi được áp tải bởi một đơn vị lính Đức
rất đông, trang bị không chỉ tiểu liên mà thậm chí cả trung liên. Có lẽ vì
chúng sợ một cuộc nổi loạn hay chạy trốn tập thể. Chúng tôi được đưa về
phía tây, trong khi mặt trời đang mọc từ hướng đông và chiếu vào lưng
chúng tôi, như thể đang nói lời vĩnh biệt. Tới gần Molodechno chúng tôi đi
ngang một khu ghetto Do Thái. Đó là cả một khối những túp lều tồi tàn,
chăng kín bởi hàng rào thép gai. Có một gã tóc đỏ khổng lồ đứng bên cổng