của Simonov. Một bài báo còn thông tin cho chúng tôi rằng binh lính Xô
viết không bắt bọn Vlasov làm tù binh mà xử bắn chúng ngay tại chiến
trường. Đó là một thông điệp rõ ràng cho những ai sắp sửa đi phục vụ cho
ROA. Tất nhiên, những thông tin ủng hộ Xô viết như thế là rất hiếm giữa
một lượng lớn những lời lẽ dối trá và chống Xô viết, nhưng chúng vẫn tồn
tại và chúng tôi vẫn cố gắng tìm kiếm chúng. Khi thần chiến tranh đã quay
lưng lại với bọn Đức trên mặt trận phía Đông, hầu hết các đơn vị của ROA
bắt đầu tìm cách đầu hàng quân đội Xô viết. Do đó, bọn Đức tái bố trí
chúng ở mặt trận phía Tây để chống lại quân Mỹ. Thậm chí chúng còn thiết
lập các đơn vị chặn hậu lấy từ những người của ROA để ngăn chặn binh
lính Đức rút lui. Tôi sẽ đề cập tới điều này ở đoạn sau.
Những tờ báo của Đức viết khá trung thực về tất cả những thay đổi
ngoài mặt trận, đưa ra những bình luận rõ ràng về những thay đổi đó.
Chúng tôi bị cấm không được giữ và đọc báo chí của Đức. Nhưng chúng
tôi vẫn tìm cách “xoay sở” được. Hành khách trên những chuyến tàu đi
ngang qua thường vứt báo ra ngoài cửa sổ. Chúng tôi nhặt chúng lên, giấu
dưới quần áo của mình và mang về khu trại. Tới buổi chiều tôi bí mật dịch
những tin tức chiến sự ra tiếng Nga, viết lại lên một mảnh giấy lấy từ vỏ
bao ximăng và chuyền mẩu tin ấy đi. Đấy là cách mà chúng tôi có được tờ
báo bí mật riêng của mình.
Một công nhân đường sắt già (Sicherpost) canh giúp chúng tôi khi có
tàu hỏa chạy qua. Ông ta thường đứng ở trên cao và khi thấy một đoàn tàu
sắp tới, ông sẽ thổi cái còi của mình để chúng tôi ngừng làm việc và rời
khỏi đường ray. Đấy là một ông già đáng mến; có thể trò chuyện với ông
những lúc tên đốc công và lính canh bỏ đi chỗ khác. Có lần tôi chú ý tới đôi
ủng đặc biệt của ông. Chúng ngắn và trông rất lạ mắt. "Đấy là đôi ủng của
ông nội tôi”, ông già kể với tôi. “Chúng đã được hơn trăm tuổi rồi. Tôi giữ
chúng trong hòm như một thánh tích. Nhưng thời bây giờ không tài nào