từng mảng lớn. Những tờ truyền đơn theo chiều gió bay vào các hố bom
đạn. Hình như việc huỷ diệt không được tiến hành một cách có hệ thống.
Vết tích còn lại trong hầu hết các làng cho thấy chứng cứ của nhiều
phương pháp huỷ diệt khác nhau. Tôi biết pháo binh thường dùng hoả lực
quấy rối- ngăn chặn bắn liên tục trong nhiều ngay vào các khu vực lớn, dọc
ngang mỗi bề đến mấy cây số. Thật dễ hiểu khi tôi nhìn thấy các hố do đạn
pháo đào lên không theo một cung cách nào cả, đạn pháo rơi bất kỳ chỗ
nào, có thể rơi xuống các cánh đồng trống hoặc các rặng cây và làng mạc.
Xe tăng và xe thiết giáp chở quân cắt xé cảnh quan bằng các con đường đi
riêng. Rõ ràng các lái xe đã chọn cách đi vượt qua cánh đồng chứ không
dùng các con đường đã có sẵn do sợ bị cài mìn.
Trong vùng, những gia đình bỏ trại tập trung trở về nhà hoặc còn ở lại
từ trước đều phải sống dưới hầm. Các cửa hầm tối đen rải rác dọc các rặng
cây ở sân sau. Khi chúng tôi bay qua, tất cả các gia đình đang ngồi trên sân
trước ngôi nhà bị tàn phá đều ngẩng đầu nhìn chúng tôi, và bất động trong
tư thế đó mà nhìn theo cho đến khi chúng tôi bay khuất. Lúc này đã gần sáu
giờ và nhiều gia đình đang xúm quanh bếp lửa nấu cơm chiều. Nồi niêu
giường chiếu và vài chiếc bàn ghế nằm lăn lóc, rải rác trong sân. Tại vài
nơi, các khung nhà khẳng khiu đã xuất hiện. Khắp nơi đều thấy những đống
rơm cao khoảng một mét, và mãi sau tôi mới nhận ra đó là những chiếc lán
cá nhân nhỏ bé, không có vách, chỉ là các mái lợp rơm rạ có cọc chống và
khung tre nâng đỡ. Có vài người dựng lều ngay giữa đồng, cách xa các lùm
cây và xa các công sự - có thể họ nghĩ rằng quân Mỹ sẽ coi các công sự và
hầm ngầm là của Việt Cộng xây dựng để phòng thủ - dễ bị coi là mục tiêu
quân sự hàng đầu của các cuộc oanh tạc. Củi đun chủ yếu là xà và cột của
ngôi nhà bị phá huỷ đã chất thành đống. Trẻ em chơi trong bụi đất và thông
thường chỉ thấy phần lớn là trẻ em, đàn bà và người già – không thấy đàn
ông. Trẻ em đang cưỡi trâu từ ngoài đồng trở về nhà.