- Tôi hỏi anh, nếu chúng ta không tranh thủ được lòng trung thành của
dân tỵ nạn ngay trong các trại này, thì làm thế nào tranh thủ được con tim,
khối óc của những người đang sống trong các thôn xóm ở một nơi xa xôi
hẻo lánh nào đó. Các ngài sếp bự cứ muốn chuyển dân chúng hết nơi này
sang nơi khác. Các vị ấy bảo: “Người miền núi phải biết sống ở đồng bằng,
người nông dân phải biết sống ở thành thị”. Vấn đề rắc rối ở đây là các vị
ấy không có con tim. Đơn giản chỉ là vấn đề họ không có con tim.
Tôi nói các số liệu về người tỵ nạn thống kê trong tỉnh cho thấy có
hàng vạn người đã được “tái định cư”.
Ông Hobson giải thích rằng điều đó đã được làm theo các điều khoản
ghi trong “Cuốn Sổ tay Hoạt động Cứu trợ người tỵ nạn” về việc “Tái định
cư trong các Trại Tạm thời”. Ông nói:
- Mọi công việc tái định cư đó đều chỉ là trên giấy. Đáng lẽ chúng ta
phải đưa cho mỗi gia đình năm ngàn đồng Việt Nam là khoản trợ cấp tái
định cư để họ làm nhà mới. Nhưng những gì mà ta làm là nói: “Đúng rồi,
chỗ chúng tôi làm nhà cho các anh hiện nay là lâu dài, đó là nhà của anh
rồi, nên các anh không được nhận năm ngàn đồng nữa.” Một cách làm khác
là cử đến đây một thông trưởng và đặt cho trại một cái tên. Thế là có thể
coi đó là một làng hay xóm. Tất nhiên địa điểm này phải đạt một số tiêu
chuẩn nào đó, nhưng cơ bản cũng chỉ là việc trên giấy. Như vậy có nghĩa là
trại này đã tách ra khỏi tay của Uỷ ban đặc biệt về người tỵ nạn và đã thuộc
quyền quản lý của Bộ Phúc lợi Xã hội – mà rồi cũng là tôi…!
Ông Hobson lại cười to, một kiểu cười làm cho ông không thể trở
thành một người Việt Nam lịch thiệp. Nhưng ông vội im lặng, rồi lắc đầu:
- Tôi không có đủ thời gian để xem họ từ đâu đến. Tất cả những gì mà
tôi có thể làm được là tìm kiếm chút ít lương thực và tấm lợp nhà cho họ,
nếu không thì coi như từ bấy đến nay họ chẳng được cấp gì cả.
Ngày 6 tháng 10, một bác sĩ người Anh đã làm việc tại bệnh viện dân
sự Quãng Ngãi, bệnh viện duy nhất trong cả ba tỉnh này – trên ba năm đã
viết một báo cáo rằng “điều kiện bảo đảm sức khoẻ trong các trại rất khác
nhau”, ông giải thích rằng: