Thủa chú Lình còn bé, ông bà nội mình chết bom, ông bác Vĩnh
Tường (ông bác ruột) đem ba con trai của ông bà nội về nuôi, đó là
ba mình, bác Trang và chú Lình. Ông Vĩnh Tường hồi đó thuộc hàng
giàu có nhất tỉnh, năm 1953 vô Sài Gòn, chẳng mấy chốc thuộc hàng
giàu có nhất Sài Gòn. Nhắc đến tên ông, nhiều người sống ở Sài Gòn
từ 1955-1975 vẫn còn nhớ. Vì giàu có mà ông Vĩnh Tường nuôi ba
anh em ăn học, không phải làm gì. Nhưng chỉ ba mình là ham học,
bác Trang thì mải chơi, chú Lình học giỏi nhưng chỉ thích nấu ăn
không chịu học.
Thấy ba mình ham học, ông Vĩnh Tường quý lắm, ông không có
con trai nên chọn ba mình làm con nuôi, được hưởng tập ấm. Ông
Vĩnh Tường vô Nam, chú Lình và ba mình theo cách mạng ở lại
Bắc, chỉ bác Trang đi theo. Mình nghe ba mình kể, nói bác Trang
ham chơi lắm, ông Vĩnh Tường giao cho một xí nghiệp để làm ăn,
bác cũng bán nốt lấy tiền tiêu xài chơi bời, chơi cho đến già, khi
chết không vợ con gì.
Ba mình kể chú Lình rất ham nấu ăn. Ở trong lớp tiếng Pháp, cô
giáo người Pháp hỏi học trò, nói học tiếng Pháp để làm gì. Ai cũng
trả lời học để giúp dân giúp nước, chú Lình trả lời thẳng tưng, nói
học để đọc sách dạy nấu ăn bằng tiếng Pháp. Nhà ông Vĩnh Tường
nhiều đồ ăn, tha hồ chế biến. Chú Lình suốt ngày chui vào bếp,
không đi chơi cũng chẳng đi học. Sợ mang tiếng bắt cháu chắt làm
việc, ông Vĩnh Tường đuổi chú ra khỏi bếp, bắt đi học. Đuổi hôm
trước, hôm sau chú lại lẻn vào bếp. Ông Vĩnh Tường bắt được, quát
nạt dọa đánh. Chú khóc, nói con chỉ muốn nấu ăn thôi, nấu ăn cũng là
nghề. Ông Vĩnh Tường nghe nói thế thì ngạc nhiên lắm, trợn mắt
nhìn chú, nói mi nói thiệt chơi? Chú nói thiệt. Ông nói mi định lập
nghiệp bằng nấu ăn à, chú nói dạ.