chục lon gạo cùng với soong nồi bát đũa để nấu ăn dọc đường. Ông
đi như không, chẳng thấy kêu ca mệt nhọc bao giờ, chỉ khi mình cắt
móng chân cho ông mới thấy tất cả ngón chân ông đều đóng sừng,
riêng ngón chân út mòn vẹt hơn một nửa. Kinh.
Mùa lụt năm 67, sắp đến ngày cưới vợ của anh Huy (anh thứ tư
của mình) thì lụt về trắng đồng. Vì ngày cưới không thể trì hoãn, ba
mình liều mạng lội nước băng đồng sang Quảng Thanh mua ba yến
đường đen về làm kẹo lạc. Hồi này cưới xin chỉ có bánh bích qui và
kẹo lạc, cả hai thứ nhà mình đều tự làm. Bánh bích qui phải làm bằng
đường trắng, chỉ có 5 cân đường trắng các thầy góp phiếu đường lại
cho, kẹo lạc làm đường đen vừa xấu vừa khét nhưng chẳng còn cách
nào khác.
Ba mình đi lúc 10 giờ trưa đến ba giờ chiều mới về nhà, ông rũ ra
vì đói, toàn thân ướt sũng bê bết bùn đất. Đi về ngang Tô Xá ông bị
sụp xuống hố bùn sâu ngang cổ. Đội trên đầu bao đường, ông không
biết làm sao leo lên khỏi hố mà bao đường không bị nhúng nước.
Ông đội bao đường đứng ngâm giữa nước mênh mông hơn hai giờ
mới thấy có người lùa trâu đi qua. Người lùa trâu thật tốt bụng, đưa
ba mình và bao đường ra khỏi hố, thấy ba mình đi không vững nước,
ông cho ba mình ngồi lên lưng trâu đưa về đến tận ngõ. Mình nhớ
như in khi ba mình vác bao đường vào nhà, nói đường đây rồi mạ mi
nì. Dứt lời ông rũ xuống xỉu đi, lát sau ông từ từ ngẩng lên mắt sáng
long lanh, nói bao đường còn nguyên, ôi chao may quá là may.
Bất kì rủi ro nào ông cũng tìm được may mắn để mà mừng. Hai
cuộc kháng chiến hơn hai chục lần nhà bị cháy bị bom phá, ông nói
may quá tám đứa con vẫn còn nguyên. Đi xe đạp xuống đèo Lý Hòa
bị ngã gãy chân, ông nói may quá xe đạp cơ quan không việc gì. Lợn
chết gà toi vì dịch, ông nói may quá bệnh dịch không lây lan ra cả
làng. Chỉ duy nhất một lần ông không tìm được cái may nào để mà