bẽn lẽn, nói không không, Văn Lợi vẫn không nói đúng sự thật. Tao
sợ vợ thứ nhì thôi, Văn Lợi mới là ông sợ vợ nhất. Văn Lợi là hội
trưởng Hội sợ vợ của chúng mày đó.
Hồi đó phòng quản lý xuất bản có 5 anh em, mình chưa có vợ,
còn lại các anh Bính Văn, anh Hải Bằng, Văn Lợi, Dương Toàn
Thắng đều nổi tiếng sợ vợ cả. Nói anh Văn Lợi sợ vợ cũng hơi oan,
anh hâm mộ vợ thì đúng hơn. Chị Tùng rất đẹp, quản gia nội trợ ngon
lành, anh Văn Lợi làm về chỉ có việc ngồi vểnh râu pha trà uống chứ
chẳng phải làm gì. Đụng có việc gì chị đều đưa ra ý kiến rất xác
đáng. Chị Tùng đã không nói thì thôi hễ nói ra điều gì chỉ có đúng trở
lên. Văn Lợi hâm mộ vợ là phải, nói chuyện gì cũng Tùng nói thế
này, Tùng nói thế kia. Mọi người vì thế có cớ chế anh sợ vợ, nói với
Văn Lợi trên đầu có trung ương, dưới bụng có bà Tùng. Mình cũng
trêu anh như vậy, anh trợn mắt lên, nói tôi có đội vợ lên đầu đâu, tôi
đặt vợ dưới bụng, sao bảo tôi sợ vợ.
Anh Mai Văn Tấn còn viết hẳn một truyện cổ tích Sự tích cái ống
bương nước để trêu Văn Lợi. Đại khái ngày xửa ngày xưa có anh Văn
Loi hiền lành tốt bụng cưới một cô gái rất xinh đẹp tên là A Tung. Vì
quá yêu vợ, Văn Loi không để cho A Tung làm gì cả. Một hôm Văn
Loi vào rừng săn bắn tối mịt vẫn chưa về. Ở nhà hết nước, A Tung
không đợi Văn Loi về lấy nước như mọi khi, đành quảy gánh xuống
suối. Lâu ngày không quen gồng gánh, đêm tối dốc trơn, A Tung bị
ngã, chết thảm dưới chân dốc. Văn Loi ôm lấy vợ kêu khóc thảm
thiết, nói ôi A Tung ơi, không có A Tung thì đời Loi còn nghĩa lý gì
nữa, nói rồi ôm vợ lao xuống thác, chết tốt. Từ đó dân Vân Kiều bỏ
tục gánh nước, chỉ lấy nước bằng ống bương. Truyện này in trong tập
Truyện cổ Vân Kiều hẳn hoi, ghi dưới truyện là ghi theo lời kể của cụ
này cụ kia, thực tế là Mai Văn Tấn bịa ra tất, hi hi.