Cánh cung bọc ngoài cùng là Cánh cung Đông Triều,
gồm hai dãy núi Nam Mầu và Bình Liêu kết hợp lại, ban
đầu chạy theo hướng vĩ tuyến tây - đông sát bờ biển vịnh
Bắc Bộ, rồi lùi dần về phía bắc. Cánh cung này không liên
tục, ở giữa là vùng núi thấp và bị nhiều sông suối cắt ngang
như sông Ba Chẽ, sông Phố Cũ, sông Tiên Yên...
Sự hình thành các cánh cung núi có ảnh hưởng rõ rệt
tới thời tiết, khí hậu miền này. Hằng ngày, trên chương trình
dự báo khí tượng của đài truyền hình, ta thấy nhiệt độ miền
Đông Bắc vào mùa đông thường thấp hơn miền Tây Bắc
một vài độ. Sở dĩ như vậy là do gió mùa từ phía đông bắc
hun hút thổi về qua những "miệng phễu" mở rộng, mang
cái giá rét thông thốc đột nhập vào các thung lũng nơi đây.
Tiếp theo, chúng ta sẽ đến với các dãy núi chính của
nước ta. Trước hết là các mạch núi miền Tây Bắc. Kẹp giữa
sông Hồng và sông Đà là dãy Hoàng Liên Sơn sừng sững
như nóc nhà Việt Nam và của cả Đông Dương. Đỉnh cao
nhất là Phan Xi Păng cao 3.143 m.
Do bị nén ép từ hai phía tạo nên các đứt gãy song song,
núi non miền Tây Bắc cho đến miền Bắc Trung Bộ có kết cấu
thành các dải sơn nguyên và sông suối kéo dài theo hướng
tây bắc - đông nam. Các sơn nguyên này phần lớn được
cấu tạo bởi đá vôi. Từ Sơn La xuống Mộc Châu, Hòa Bình,