Thời kì ở hang chấm dứt, người dân đã biết làm nhà
sàn để ở. Các điểm dân cư được quy tụ trên những đỉnh gò,
sườn đồi, chân núi và doi đất, vừa cao ráo vừa dễ phòng
thủ. "Kinh đô" nơi các vua, quan lang ở cũng nằm trên sườn
núi xung quanh vùng Gò Mun, Phong Châu, Phú Thọ. Sau
đó mới tiến dần xuống đồng bằng tạo dựng nên một nền
văn minh lúa nước.
Cuộc sống gắn liền với núi non, rừng rú nên ngày xưa
người ta luôn tôn thờ những hiện tượng thiên nhiên, như
sấm chớp, lũ lụt..., coi như thần thánh. Một trong những vị
thần được tôn thờ là Thần Núi hay Sơn Thần.
Truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh kể rằng, vào đời vua
Hùng thứ 18, nhà vua có nàng công chúa Mị Nương xinh
đẹp. Vua truyền tin kén rể hiền tài khắp cõi. Thủy Tinh và
Sơn Tinh cùng đến ra mắt. Vua Hùng không biết chọn ai,
bèn ra "đề thi" ai đem lễ vật đến trước thì được vua gả con
gái cho. Hình như nhà vua có ý thiên lệch, toàn đòi những
voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, đều là sản
vật của núi rừng. Nhờ vậy, Sơn Tinh đã "trúng cách" và
được đón Mị Nương về núi. Thủy Tinh tức giận, dâng cao
nước, đem đoàn quân thủy quái cua cá, thuồng luồng lên
đánh Sơn Tinh. Nhưng nước dâng đến đâu, Sơn Tinh dùng
phép thần thông cho núi mọc cao lên đến đó.
Sơn Tinh được dân thờ như một vị thần trong Tứ bất tử.
Cùng với Sơn Tinh, nhân dân nhiều nơi còn lập cả miếu thờ
các vị sơn thần khác là Cao Sơn và Quý Minh.