lần, lính hầu rót đầy dầu vào đĩa đèn. Đã ba lần đĩa dầu cạn. Nhưng hai
người vẫn cặm cụi đọc những lời vàng ngọc trong cuốn binh thư mới. Họ
mê đi vì vỡ thêm ra biết bao nhiêu điều mới lạ trong phép dùng binh.
Trống đã điểm canh hai. Càng gần sáng, những tiếng mài gươm, múa
giáo càng khua vang doanh trại. Nghe anh em rì rầm đọc lại những lời
trong hịch:
... Ta nay ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ... Bởi vì sao? Bởi vì giặc
Nguyên với ta là cái thù không đợi trời chung... Còn mặt mũi nào mà đứng
ở trong vòng trời che đất chở này?... Mọi người phải có sức khoẻ như Bàng
Mông, Hậu Nghệ...
Những lời thống thiết ấy càng thấm sâu vào lòng Hoài Văn.
Đã mấy lần, Quốc Toản giục anh em đi ngủ để ngày mai học tập binh
pháp mới, nhưng tiếng mài gươm cứ mỗi lúc một dồn dập thêm. Tiếng rì
rầm đọc hịch vẫn khi trầm khi bổng.
Hoài Văn và người tướng già gấp sách lại, xuống trại của anh em. Hoài
Văn ngạc nhiên thấy chỗ nào cũng tấp nập lạ thường. Chỗ này đấu gươm,
chỗ kia đánh vật, chỗ khác tập đâm, tập chém. Tốp này tập trong nhà. Tốp
kia tập ngoài trời chẳng quản mưa phùn gió bấc. Hoài Văn hỏi sao không đi
ngủ. Họ trả lời vì giận giặc, chân tay ngứa ngáy không thể ngồi yên.
Trong một góc trại, dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu lạc, có một
đám anh em mình trần như nhộng. Hoài Văn lấy làm lạ, đi tới. Nhiều người
ở ngoài cũng chạy vào và cởi phăng quần áo. Hoài Văn tưởng là họ sắp
đánh vật. Nhưng khi tới gần thì không phải. Người ta chia ra nhiều tốp.
Mỗi tốp mươi người, trong đó có một người xoa chàm và viết chữ vào
những cánh tay đang chìa ra, và một người khác cầm một thứ dùi nhỏ như
kim, châm mạnh vào cánh tay đã viết chữ. Người viết, người châm, người