Một buổi tối, họ ngồi trong trại, lắng nghe Hoài Văn đọc lời hịch của
Quốc công Tiết chế. Lòng họ như lửa cháy đổ thêm dầu. Họ ngốn từng câu,
từng chữ. Từng lời in vào trí óc, khắc vào xương tuỷ.
Họ mím môi, nắm chặt bàn tay. Lời hịch khi phẫn nộ, khi thiết tha, khi
khuyên can, khi dạy dỗ, khi hùng hồn khẳng khái, khi thét vang như sóng
vỗ gió gào:
Ta với các ngươi, sinh ra trong buổi nhiễu nhương, trưởng thành trong
những ngày đau khổ. Nay trông thấy sứ giặc đi rầm rập ngoài đường, uốn
lưỡi cú vọ mà sỉ mắng triều đình, đem cái thân chó dê mà khinh nhờn tể
tướng, dựa vào Hốt Tất Liệt để đòi ngọc lụa, mượn thế Trấn Nam Vương
mà bắt nộp bạc vàng. Của kho có hạn, lòng tham khôn cùng. Không khác gì
ném thịt cho hổ đói, làm thế nào mà thoát được tai vạ về sau!
Ta nay ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, nước mắt đầm đìa, ruột đau
như cắt, lúc nào cũng bực tức rằng chưa sao sả thịt lột da chúng được...
Bởi vì sao?
Bởi vì giặc Nguyên với ta là cái thù không đội trời chung. Nếu các ngươi
cứ lơ là không nghĩ đến việc rửa nhục cho nước, lại không luyện tập quân
lính, như thế là quay giáo xin hàng, tay không chịu chết, thì còn mặt mũi
nào mà đứng ở trong vòng trời che đất chở này được?
Lời hịch lúc nào cũng văng vẳng bên tai họ, làm cho họ rạo rực, sôi nổi.
Đêm đã khuya, họ vẫn không sao ngủ được. Họ trằn trọc trở mình luôn. Rồi
một người nhỏm dậy, đem gươm của mình ra mài. Người khác cũng nhỏm
dậy, say sưa luyện tập. Rồi kẻ múa kiếm, kẻ múa côn. Trại của Hoài Văn
ầm ầm, nhộn nhịp. Tưởng như các chiến sĩ đang chuẩn bị lên đường đi
đánh trận.
Hoài Văn và người tướng già ngồi nghiên cứu cuốn Binh thư yếu lược
của Hưng Đạo Vương mà họ nhận được cùng một lúc với tờ hịch. Đã ba