Nhờ thế, Ngụy Hóa được an ổn làm ăn, súc tích được nhiều của cải vô
lương.
Tới khi đứng tuổi, y khôn khéo muốn sống một cuộc đời thanh thản hơn
là lúc nào cũng phải ẩn náu trong rừng rậm núi cao, nên đem vợ con và các
hạ bộ thân tín rời Tứ Xuyên sang miền Đông, lập trang trại tại hữu ngạn
Hoàng Hà trên một khu đất cao khá phì nhiêu.
Năm ấy Ngụy Hóa đã ba mươi bảy tuổi mà sức hãy còn dũng mãnh,
giương nổi thiết cung, phi ngựa còn thiệt lẹ không thua chi hồi niên thiếu.
Y có tất cả bảy người con trai đều luyện tập thông thạo võ nghệ và tánh
tình hung hãn như cha.
Ngụy gia Thất quái là :
- Ngụy Hổ, tước hiệu Hắc Diện Quái, quen sử dụng song chùy.
- Ngụy Báo, tước hiệu Phi Hành Quái, sử dụng thiết côn
- Ngụy Bưu, tước hiệu Hỏa Nhãn Quái, sử dụng song phủ
- Ngụy Hùng, tước hiệu Kim Mao Quái, sử dụng cây đinh ba
- Ngụy Giao, tước hiệu Thủy Mã Quái, sử dụng cây thiết hối đao
- Ngụy Mãng, tước hiệu Thiết Tý Quái, sử dụng cây đồng nhân
- Và Ngụy Đằng, tước hiệu Bạch Diện Quái, sử dụng ngọn giáo đồng.
Bảy tên trai họ Ngụy mỗi người mỗi vẻ, duy chỉ giống nhau ở chỗ hung
ác gia truyền. Chúng giúp sức Ngụy Hóa lập trang trại theo trận thế Bát
Quái đồ, phòng khi xảy ra chuyện bất thường, thì sẽ có đường lối chống
chọi giao tranh.
Sống cuộc đời an nhàn bình thản Trại chủ, không có nghĩa là Cẩm Mao
Quái Ngụy Hóa chịu đóng vai lão hổ về già thâu nanh giấu vuốt, mai danh
tên tuổi đại đạo một thời, nhưng lão thỉnh thoảng lại sai phái các con xuất
ngoại làm ăn một chuyến tại nơi xa, thành thử dân chúng Ung Thành huyện
chỉ biết họ Ngụy là một gia đình cường hào, mà từ quan chí dân trong vùng
đều nể trọng, chớ không một ai hay đó chính là một ổ lục lâm đại đạo.
Ngụy Hóa lại khéo léo giao dịch với các quan lớn nhỏ sở tại, tiệc tùng,
biếu xén luôn luôn, thành thử các quan bổn huyện đều nhất mực kính nể
lão.