Tử Long lắc đầu :
- Ngu huynh có săn thỏ đâu! Có con rắn nhỏ theo nó mà sư muội không
để ý đó.
- Rắn có rượt kịp thỏ không?
- Không. Con thỏ chạy đi mất tiêu nhưng ngu huynh gài con rắn đó
xuống đất bằng một phát tên rồi.
- Ồ, tiểu muội cũng không ưa giống rắn chút nào. Trông nó rợn cả người!
Nhớ đến con mãng xà rượt tiều phu bên Đông Thôn và hai con nữa ở trong
hầm Thiên Sơn tự mà phát khiếp!
Tần Vân Anh nói :
- Tiểu muội cũng như thơ thơ, ghét giống rắn lắm.
Ba người cùng ngồi trên phiến đá chuyện vãn hồi lâu thì chợt thấy một
kỵ sĩ từ xa đi tới. Người đó lưng đeo cung tên, bên ức ngựa gài cặp đoản
thiết kích.
Vân Anh reo lên :
- A! Gia huynh Nhất Long, chẳng hiểu đi đâu một mình về qua đây thế
này!
Phải, kỵ sĩ đang đi tới đó chính là Nhất Long Tần Kỳ.
Nguyên Tần Kỳ cũng là một trang thanh niên tuấn kiệt, vóc dáng nở
nang tương tự Cam Tử Long, duy có nét mặt là không được phong tuấn
bằng, tuy vậy trước khi gặp họ Cam, chưa một ai sánh kịp chàng về võ
dũng cũng như về hình thức, nên tiếng Tần gia Nhất Long phong lưu mã
thượng vang dây trong khắp nội ngoại thành Lạc Dương.
Từ khi trưởng thành, mối lái đã nhiều, nhưng Tần Kỳ kén chọn rất kỹ
không ưng ý một thiếu nữ nào cả. Về phần lão anh hùng Tần Khánh cũng
chiều con, mặc Tần Kỳ lựa ý trung nhân, không hề ép uổng. Cho nên năm
ấy đã hai mươi lăm tuổi, sống trên nhung lụa mà chàng vẫn phòng không
chiếc bóng chưa lựa được bạn khâm trù.
Tần phu nhân lấy thế làm nóng ruột muốn có chút cháu nội bế bồng cho
vui cảnh già, nên thường khuyên nhủ con trai lớn lập gia đình. Không
muốn để thân mẫu buồn. Tần Kỳ kiếm lời khéo léo thoái thác, lẫn lừa mãi
cho đến ngày Song hiệp tới Lạc Dương chúc thọ ngũ tuần đại khánh. Thoạt