Trương Gia Khẩu giáp với Vạn Lý Trường Thành là một trong những
cửa ải địa đầu thành cao, hào sâu kiên cố bội phần. Nơi đây, dân chúng trà
trộn ba giống người Hán, Mãn, Mông. Những đoàn khách thương Mông Cổ
đầu đội mũ lông, áo da, ủng da, đoản đao gài đai lưng, tải hàng hóa buôn từ
Trương Gia Khẩu ra khỏi cổng thành. Họ không dùng ngựa thồ như người
Hán, Mãn mà dùng toàn giống lạc đà một bướu cao lênh khênh. Lúc đó một
đoàn người ngựa thồ hàng đi tới.
Song hiệp gò ngựa đứng sang bên, nhường lối cho đoàn khách thương đi
qua. Mai Nương đếm đúng bảy mươi hai thồ hàng. Bốn vị tiêu sư, hai Hán,
hai Mông. Họ cưỡi bốn con tuấn mã cực kiêu hùng. Thấy đôi nam nữ thanh
niên gò ngựa đứng nhìn, bốn vị tiêu sư dùng tiếng Mông Cổ xì xồ nói với
nhau những gì không hiểu và đăm đăm ngó hai người.
Mai Nương bảo Tử Long :
- Vào thành đi sư huynh. Bốn tiêu sư có lẽ nghi ngờ chúng ta là bọn
Hướng Mã.
Lục lâm cường đạo thường phải đồng bọn cải trang, trà trộn với dân
chúng để dò thám ngày giờ, đường lối tải hàng và tên Bảo tiêu cuộc, số tiêu
sư áp tải, để dự bị đón đường chận đánh cướp hàng cho dễ dàng. Bọn dò
đường không cần phải là đồng bọn với lục lâm. Họ có tổ chức riêng, giao
dịch với các sơn trại trong vùng và phi báo cho các Đại vương chặn đường
cướp thồ hàng ngoài vùng sơn trại sào huyệt của chúng.
Lối tổ chức này có từ đời Bắc Tông và chỉ riêng trong địa hạt Sơn Đông,
do những tay giang hồ hắc đạo người Sơn Đông đảm nhiệm. Bởi vậy mới
thành tên “SƠN ĐÔNG HƯỚNG MÔ. Sau đó, các Hướng Mã lan tràn ra
hai tỉnh Trực Lệ và Hà Bắc. Bọn Hướng Mã lúc đó không hẳn phải là người
Sơn Đông, nhưng thiên hạ quen miệng gọi luôn những tay chỉ điểm cho lục
lâm cường đạo là Sơn Đông Hướng Mã.
Không phải bất cứ người nào cũng hành nổi nghề Hướng Mã. Họ phải
giỏi võ nghệ, tinh tường, giao dịch rộng với mọi người và nhất là trong giới
giang hồ hắc đạo, thông thạo đủ các thứ tiếng lóng mà giới này thường
dùng khi “làm việc”.