đều đáng liệt vào hàng siêu việt thời bấy giờ, người nào cũng dầy công
luyện tập trên mười năm mới thành tài.
Bởi vậy, khi Lã Mai Nương nhắc đến câu “Cử nổi ba trăm cân lên dốc,
tất chuyển được dư ngàn cân trên đất bằng” đã khiến Tử Long nhớ lại
Thiên Cương hòa thượng và chiếc chuông lớn ở ngoài hậu viên Thiên
Vương tự.
Vị hòa thượng giống người Bạch chủng này, đã thẳng thắn thừa nhận là
môn đồ của phái Không Động. Nói về phương diện Võ thuật, phái Không
Động là một trong những võ phái lớn nhất Trung Nguyên hồi bấy giờ. Số
môn đồ còn có phần đông hơn cả Thiếu Lâm tự.
Lão sư Thạch Phủ Kính đích thân ở trên Không Động sơn, trong Kim
Điêu ổ trước kia thuộc Kim Thành huyện, Tam Ân phủ. Nay Kim Điêu ổ
dân cư đông đảo, trở thành huyện lỵ từ đời Minh mạt Sùng Chinh Vương,
nên tách ra khỏi Kim Thành huyện và trực thuộc riêng Tam Ân phủ, đất
Cam Túc.
Thạch Phủ Kính lão sư có ba đồ đệ đáng liệt vào bực kiệt hiệt thời bấy
giờ. Người thứ nhất là Hạng Kính Thiên gốc người Hán Trung. Người thứ
nhì là Lịch Sơn Độ tức là Thiên Cương hòa thượng, sư trưởng Thiên
Vương tự. Người thứ ba là Đậu Hải Giao, người Khai Phong phủ, Hà Nam.
Sau khi thành công, Lịch Sơn Độ vốn đã thế phát, ở lại Giảng Võ Đường
do Lão sư xây dựng ngay tại Kim Điêu huyện, cùng sư phụ và sư huynh
Hạng Kính Thiên thay phiên nhau dạy các môn đồ. Riêng Đậu Hải Giao có
việc nhà phải về Khai Phong phủ.
Đảm nhiệm dạy các môn đồ được ít lâu, Lịch Sơn Độ nhận thấy Thạch
sư phụ và Hạng Kính Thiên thâu nhận môn đồ một cách bừa bãi, bạ ai xin
học cũng nhận liền, không cần tìm hiểu, thử thách về phương diện đức độ
của người mới đến.
Hơn nữa, Lịch Sơn Độ không ưa tánh nết của sư huynh Hạng Kính Thiên
và một số đông các sư đệ, nên từ giã Thạch lão sư, vân du thăm viếng
Trung Quốc.
Lịch Sơn Độ định bụng sau thời gian du hành, tất thế nào cũng tìm được
một nơi vừa ý, sẽ ở lại tu hành, tách khỏi hẳn Không Động sơn.