Kẻ tám lượng, người nửa cân, tướng ngộ lương tài, đòn ra như gió giựt
mưa rào, Lý Ba Sơn hầm hè, lúc la thét dữ dội không khác chi mãnh hổ
cầm dương. Trái lại, Ngũ Mai thiền sư im lìm đánh đỡ, công phá, uyển
chuyển như giao long bộ thủy.
Trận đấu diễn ra ngoạn mục, hào hứng, khốc liệt, người xem mê mải
theo dõi thích thú. Nhưng không phải ai cũng vậy, nhiều người nhắm cả
mắt lại không dám nhìn những loạt tấn công dồn dập, nguy hiểm, ghê gớm
của bên nọ hoặc bên kia.
Lý Ba Sơn quyết hạ đối thủ cho kỳ được, sử dụng toàn đòn nghề, thế
hiểm. Trước hết Ba Sơn muốn báo thù cho Lôi Lão Hổ, hơn nữa, hạ được
Ngũ Mai, danh tiếng Lý lão sư sẽ vang như cồn trong giới võ nghệ. Một
đàng, Ngũ Mai thiền sư vạn bất đắc dĩ mới buộc lòng phải thượng đài.
Thiền sư hiểu rõ tình thế lưỡng nan của mẹ con Miêu thị, nên cố gắng
giảng hòa không xong, đành phải thượng đài dùng võ lực cản võ lực, may
ra Lý Ba Sơn thấy thắng không nổi sẽ đổi ý thu xếp giảng hòa chăng.
Thiền sư là bậc thượng thặng, tiền bối thuộc phái Thiếu Lâm, lẽ nào
nhắm mắt bước qua mặc cho Lý Ba Sơn, người phái Tây Khương làm mưa
làm gió, sát hại Phương Thế Ngọc? Thế Ngọc bị hại tất Miêu Thúy Hoa,
mẫu tử tình thâm, không thể bỏ qua. Nàng sẽ liều mạng báo thù! Mà liều
mạng trước cha con Lý Ba Sơn và có lẽ còn bao nhiêu lẻ khác nữa, là táng
mạng.
Trước tình thế ấy, Thiền sư nhất định phải can thiệp đến nơi đến chốn,
bằng bất cứ giá nào. Một vị đại sư Thiếu Lâm đi qua một nơi mà người của
Thiếu Lâm đang lâm nguy vì chính nghĩa, bỏ qua sẽ bị kẻ dị phái chê cười.
Cho nên trong trận đấu, Thiền sư cầm cự, trổ tài cho Lý Ba Sơn phải
thầm phục nể nang chịu điều đình. Hơn nữa, Thiền sư còn muốn cho Ba
Sơn từ nay biết kiêng nể môn đồ Thiếu Lâm tự. Người ung dung chiến đấu
dữ dội chống một đối thủ hữu tài, hữu lực nhưng không hằn thù. Mỗi khi
Lý Ba Sơn trổ thế hiểm, Thiền sư trả đòn bằng những thế gỡ tuyệt diệu và
trả đòn ngay tức thì buộc đối phương phải thoái bộ luôn luôn nhường mặt
trận, lấy lợi thế về phần mình.