dùng lực quật mạnh giáo sắt nhiều lần vào cây côn địch, cố ý làm cho địch
thủ phải chùng tay, không ngờ Thế Ngọc sử dụng cây Hồng côn bằng gỗ
Thiết Mộc (gỗ chai) rất tài tình, mạnh mẽ.
Hai môn võ khí va chạm vào nhau chí chát y hệt hai thứ bằng sắt. Việc
Thế Ngọc chống trả rất hiệu lực này khiến Cao Tấn Trung ngạc nhiên hết
sức.
Tự xét mình không phải địch thủ của Tấn Trung, Thế Ngọc giao chiến
cực kỳ thận trọng, rút kinh nghiệm ở trận Kim Môn điếm bên Quảng Châu.
Đứng trên mái lục lăng đình, Mã Hùng, Phương Thất, Bạch Dũng quan
sát trận chiến thấy Lý Tiểu Hoàn đấu ngang tay với Miêu Thúy Hoa. Riêng
Phương Thế Ngọc, bản lãnh chưa đạt tới mức cao siêu, kém Cao Tấn
Trung, nhưng trận đấu mới khởi chưa được bao lâu, Thế Ngọc giao chiến
rất cẩn thận không phí sức, nên tiểu anh hùng chưa đến nỗi kém sút mà còn
cầm cự được lâu hơn thế nữa.
Tuy bản lãnh trội hơn đối phương, Cao Tấn Trung vừa giao chiến vừa
phải chú ý phòng bị ám tiễn, nên không hoạt động được như ý muốn. Mã
Hùng biết vậy bèn bảo Bạch Dũng phong đao dồn Thế Ngọc vào tình trạng
khó khăn để đối lại với ám tiễn của địch.
Về ngón phóng đao, Bạch Dũng cũng lợi hại không kém gì môn phi tiêu
của Mã Hùng nên mừng rỡ trổ nghề luôn. Chờ lúc Thế Ngọc mải gạt ngọn
giáo của Tấn Trung, Bạch Dũng bèn nhắm vai hữu y phóng mạnh một mũi
Liễu Diệp đao
Vừa hay lúc đó, Phương Mỹ Ngọc đứng trên hành lang thấy kịp la lớn :
- Tam đệ coi chừng ám khí!…
Vốn biết kẻ địch đứng cả trên mái đình, Thế Ngọc vẫn chủ tâm đề
phòng. Chợt nghe Mai Nương la, tinh ý hiểu ngay nên thoái luôn hai bộ hất
ngược ngọn Hồng côn gạt văng mũi phi đao bắn đi rất xa.
Lãnh nhiệm vụ đứng trong nhà vừa bảo vệ Phương ông vừa bắn tên,
Phương Hiếu Ngọc thấy vậy, liền nhằm bọn ba người cùng đứng trên mái
đình, bắn luôn hai phát tên.
Không kém, Bạch Dũng, Phương Thất hoa đao gạt tên rớt lẻ tẻ xuống
sân.